Home > Thủ Thuật > 15 thủ thuật hữu ích để chụp ảnh bình minh ấn tượng (Phần 2)
Thủ ThuậtThủ Thuật Máy ảnhTin TứcTin Tức Máy Ảnh

15 thủ thuật hữu ích để chụp ảnh bình minh ấn tượng (Phần 2)

15 thủ thuật hữu ích để chụp ảnh bình minh ấn tượng (Phần 2)

Bỏ túi ngay 15 thủ thuật hữu ích để ảnh chụp bình minh của bạn trở nên ấn tượng hơn thông qua chia sẻ của nhiếp ảnh gia Anton Gorlin.

>>> 15 thủ thuật hữu ích để chụp ảnh bình minh ấn tượng (Phần 1)
beautiful-sunrise-landscape
Nikon D750, Tamron 15-30. EXIF: f/10, 1/15 sec, ISO 100, 15 mm.

#8 Lấy nét thông minh

Lấy nét trong tối rất khó, tuy nhiên vẫn có một số mẹo vặt để giải quyết vấn đề này.

Lấy nét trong tối như thế nào?

1. Sử dụng đèn cầm tay.

Dùng ánh đèn flash sáng rõ để chiếu sáng các chủ thể rắn gần đó (cách từ 3m trở lên), lấy nét vào đó, chuyển sang lấy nét thủ công và chụp.

2. Sử dụng sao.

Dĩ nhiên là máy ảnh của bạn không thể tự động lấy nét trên một ngôi sao, nhưng bạn vẫn có thể tận dụng nó dễ dàng. Kỹ thuật này áp dụng chuẩn nhất đối với chụp ảnh thiên văn, nhưng cũng có thể áp dụng với ảnh cơ bản nếu bạn bắt được bất kỳ điểm sáng nào trong khung hình:

– Chuyển sang chế độ Live View

– Bật lấy nét thủ công

– Zoom vào một ngôi sao sáng

– Lấy nét thủ công bằng cách chậm rãi xoay vòng lấy nét

3. Sử dụng khẩu mở.

Nếu trời không tối hẳn nhưng máy ảnh của bạn vẫn khó lấy nét, thì hãy mở khẩu càng rộng càng tốt. Cách này sẽ giúp máy ảnh làm việc tốt hơn. Lấy nét lên bất kỳ chỗ nào, kế đó chuyển sang lấy nét thủ công và tăng khẩu trở lại bình thường. Bạn có thể kết hợp cách này với cách sử dụng đèn cầm tay.

#10 Xem xét mọi hướng

Chúng ta thường nghĩ mảng trời đẹp nhất nằm gần mặt trời, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Chúng ta cần nhìn xung quanh thường xuyên để quan sát cách mọi thứ thay đổi. Đôi khi chúng ta có thể thấy cầu vồng ở hướng Tây hoặc màu trời đẹp ở hướng Bắc Nam. Đừng bó buộc mình vào một cảnh duy nhất, hãy mở rộng tầm nhìn và trở nên linh động hơn.

Ngoài ra, ánh sáng rìa bình minh là một trong những loại ánh sáng đẹp nhất và có thể tạo ra phong cảnh bình minh hùng vĩ. Ánh sáng này lấp đầy toàn bộ khung cảnh và khiến mọi thứ từ sỏi đá đến cây cối bừng sức sống. Hãy tìm một hướng nhìn được bầu trời đẹp nhất.

bright-sky-beautiful-sunrise
Nikon D750, Tamron 15-30. EXIF: f/8, 30 sec, ISO 100, 15 mm. Ảnh chụp bình minh nhìn từ hướng Bắc.

#11 Sử dụng chân máy (tripod)

Lời khuyên dùng chân máy nghe có vẻ dư thừa hoặc quá rõ ràng rồi, nhưng nhiều nhiếp ảnh gia mới bắt đầu vẫn thường không nghĩ là họ cần nó và cứ hỏi đi hỏi lại mãi. Đúng vậy, bạn cần phải sử dụng chân máy để chụp ảnh bình minh. Đây không phải là một lời thừa thãi gì đâu. Không cần biết bạn chắc tay đến mức nào, không quan trọng bạn có chụp timelapse hay không,… Quan trọng là bạn vẫn cần chân máy.

photographer-tripod-sunrise
Nikon D750, Tamron 15-30. EXIF: f/16, 0.6 sec, ISO 100, 24 mm.

Dành thời gian làm quen với chân máy, nhất là chân máy mới. Sẽ rất khó để xử lý chân máy trong bóng tối nếu bạn chỉ vừa mới mua nó và hoàn toàn chẳng có trải nghiệm gì với nó thậm chí vào ban ngày. Đừng lãng phí khoảng thời gian quý giá trước bình minh, mà hãy tận dụng thời gian này để phơi sáng lâu thêm chút nữa.

Loại chân máy rất quan trọng. Gorlin đề xuất các chân máy có kẹp (clamp), các chân này thường chắc chắn hơn và không dễ bị rã. Đầu 3-D được khuyên dùng, nhưng đầu bi cũng là một lựa chọn ổn. Bản thân Gorlin vì chụp cảnh ở biển nên anh thường dùng một hãng rẻ tiền là Weifeng. Chân máy từ hãng này rất bền, ổn định và có giá bán hợp lý.

Nếu bạn có chân máy, bạn sẽ không bao giờ cần phải hỏi nên dùng ISO bao nhiêu để chụp bình minh – cứ ISO 100 mà tiến đến chất lượng cao nhất.

#12 Ngắm ánh sáng

Gorlin chia sẻ, loại ánh sáng anh thích nhất là ánh sáng mờ nhạt từ bầu trời dần kéo dài rõ ràng trước bình minh. Một nhiếp ảnh gia không chuyên có thể dễ dàng bỏ qua điều này, nhưng một nhiếp ảnh gia có hiểu biết sẽ tạo ra những chất liệu và họa tiết ánh sáng lạ mắt cho các bức ảnh bình minh của họ. Bạn cần tìm các đặc trưng của khu vực chụp và ngắm xem đâu là ánh sáng nhạt nhất. Phơi sáng dài sẽ giúp tăng cường ánh sáng này, bên cạnh quá trình hậu kỳ của bạn. Thủ thuật này làm việc hiệu quả nhất đối với các mỏm đá, sỏi, hoặc bất kỳ thứ gì không chuyển động.

first-light-sunrise-photography
Nikon D750, Tamron 15-30. EXIF: f/11, 0.8 sec, ISO 100, 27 mm.

#13 Thay đổi vị trí

Theo quan sát của Gorlin, rất nhiều nhiếp ảnh gia sau khi tìm được một điểm cắm máy tốt thì chỉ ở nguyên tại vị trí đó cả buổi chụp, chụp cả trăm tấm chỉ với ánh sáng thay đổi. Cũng có thể các nhiếp ảnh gia này là người hoàn hảo? Cá nhân Gorlin lại có một lời khuyên hoàn toàn khác. Một người nên dành 20% nỗ lực để chụp được ảnh đẹp nhất và đừng dành 80% còn lại để hoàn hảo nó. Chẳng có gì đảm bảo là ta sẽ đạt được cái gì đó hoàn hảo đúng nghĩa, nhưng có một điều chắc chắn là ta sẽ lãng phí thời gian. Tốt hơn hết là thử nghiệm nhiều bố cục khác nhau, nhiều điểm ngắm, nhiều đối tượng. Bằng cách này, ta sẽ:

– Học hỏi nhanh hơn

– Ít bỏ lỡ những điểm cắm máy tuyệt vời hơn

– Không bị nhàm chán

Hãy linh hoạt lên! Bạn luôn có thể trở lại vị trí cũ nếu nghĩ rằng chỗ cũ có góc chụp đẹp hơn mà. Người chạy, chứ chỗ có chạy đâu.

single-sunrise-multiple-photos
Các ảnh chụp bình minh ở biển Garie (chưa kể số ảnh chưa được tiết lộ).

#14 Luôn chuẩn bị trước (Thăm dò địa điểm, tìm kiếm trên mạng)

Đặc điểm chính của chụp ảnh bình minh là bạn phải bắt đầu sớm. Sẽ không có đủ thời gian cho bạn thăm dò khu vực chụp, trời thì còn tối. Bạn cần biết trước và biết rõ mình sắp đi đâu, đi bằng cách nào, điểm cắm máy nào là lý tưởng nhất với bạn. Có nhiều cách để khảo sát địa điểm trước. Như Gorlin, anh thường tra địa điểm trên Google và tìm các hình ảnh rõ nhất để quyết định nơi chụp. Ngoài ra, các trang web, blog về nhiếp ảnh cũng thường gợi ý các địa điểm chụp hình hay ho, thậm chí còn có kèm review của nhiếp ảnh gia từng đến đó chẳng hạn. Mặc dù vậy, cách tốt nhất vẫn là trực tiếp đến địa điểm vào ban ngày, ghi chú lại những khu vực tiềm năng cho buổi chụp và hình dung các bức ảnh tương lai của bạn. Việc khảo sát này còn có thể ảnh hưởng đến ống kính bạn cần trang bị để chụp bình minh.

Một mẹo nhỏ khi bạn tìm kiếm địa điểm trên Google: đừng chỉ gõ tên địa điểm không thôi, mà hãy kèm các từ khóa cụ thể như “bình minh”, “hoàng hôn”, “phong cảnh”, theo tên địa điểm, để Google hiển thị thông tin chính xác hơn, rõ ràng hơn. Bạn cũng có thể tham khảo các từ khóa phụ bằng tiếng Anh: landscape, seascape, photography, sunrise, sunset, best spots,…

#15 Đừng về quá sớm

Nhiều nhiếp ảnh gia thường ra về quá sớm, chỉ ngay sau khi bình minh lên, nhất là khi một vài đám mây đang che mất mặt trời. Gorlin khuyên nên ở lại lâu hơn một chút. Lý do gồm:

1. Mây có thể sẽ tan hoặc bay đi chỉ sau đó ít phút. Chỉ là mây thôi mà.

2. Đôi khi bạn có thể có cơ hội chứng kiến những tia nắng chạng vạng (Crepuscular ray) chiếu rọi từ phía sau những đám mây. Các tia này có thể hướng lên và cả hướng xuống. Những đường dọc do chúng tạo nên rất phù hợp với bố cục và cảm giác kỳ diệu nói chung của ảnh chụp bình minh.

crepuscular-rays
Nikon D7000, Nikon 70-300 VRII. EXIF: f/8, 1/400 sec, ISO 100, 70 mm.

3. Nếu mây không quá dày, chúng có thể nhận một chút màu sắc khi mặt trời lên phía sau chúng. Các màu sắc này có vẻ hơi ảm đạm một chút, nhưng bạn có thể tăng tương phản trong quá trình hậu kỳ.

4. Đại tiệc ánh sáng sẽ bắt đầu bất kỳ lúc nào sau đó. Sẽ có một khoảng cách vô hình giữa các đám mây, khoảng cách này có thể biến những thứ xung quanh nó thành thứ gì đó rất đáng ngạc nhiên. Bạn sẽ không dễ dàng bỏ lỡ một điều bất ngờ thú vị như thế khi chụp bình minh đâu nhỉ?

clouds-opening-seascape-light-show
Nikon D750, Tamron 15-30. EXIF: f/16, 1/5 sec, ISO 100, 15 mm.

Hy vọng 15 thủ thuật chụp ảnh bình minh do nhiếp ảnh gia Anton Gorlin chia sẻ sẽ hữu ích cho quá trình chụp ảnh bình minh của bạn, hỗ trợ bạn ghi lại những thước ảnh bình minh đẹp đẽ ấn tượng nhất trong sự nghiệp cầm máy của mình.

 

(Theo Anton Gorlin)