Home > Thủ Thuật > 5 sai lầm cần sửa chữa ngay khi làm travel vlog
Thủ ThuậtThủ Thuật Máy ảnhTin TứcTin Tức Máy Ảnh

5 sai lầm cần sửa chữa ngay khi làm travel vlog

Ảnh bởi jina_mangchi

5 sai lầm cần sửa chữa ngay khi làm travel vlog

Làm travel vlog (vlog du lịch) nghe có vẻ hay ho và đơn giản, đến mức nhiều người lầm tưởng việc này chẳng cần mấy công sức; bạn chỉ cần để dành một khoản tiền cho chuyến đi và một thiết bị để quay phim – hết. Và đó cũng chính là sai lầm lớn nhất và trước nhất đối với bất kỳ ai, chuyên nghiệp hay nghiệp dư.

Đúng là travel vlog không quá mức khó khăn kể cả đối với người mới chơi, nhưng nó cũng không quá dễ dàng đến mức có thể hời hợt mà vẫn làm được; chứ còn chưa nói tới làm đẹp. Sự kết hợp giữa hai yếu tố then chốt là sáng tạo và kỹ thuật, được trau chuốt thêm bởi cảm nhận và cá tính của chính người quay – đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời của những thước phim du lịch ấn tượng để đời.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu 5 sai lầm lớn cần sửa chữa ngay khi làm travel vlog, đặc biệt dành cho những ai mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này, giúp bạn nhanh chóng chỉnh sửa và thành công hơn trong các sản phẩm tiếp theo. 5 sai lầm này được rút ra từ chính kinh nghiệm của các travel vlogger chuyên nghiệp hàng đầu trên con đường đi đến thành công của họ.

Ảnh bởi jina_mangchi
Ảnh bởi jina_mangchi

1. Chạy theo trend của người ta thay vì đam mê của bạn

Trend (xu hướng) rất hấp dẫn, chúng lôi kéo mọi sự chú ý; tuy nhiên, có hàng tá trend được tạo ra mỗi ngày và chúng lan tỏa ở khắp các thể loại. Vì thế khi bắt đầu, đừng chỉ chăm chăm làm travel vlog theo xu hướng – đến cuối ngày, bạn sẽ nhận ra là không có chất riêng gì của bạn đọng lại trong chính các sản phẩm của bạn, và người xem sẽ chỉ coi bạn như một kẻ “ăn theo” nào nữa vừa xuất hiện.

Thay vào đó, trước hết hãy lựa chọn một vùng và tập trung nội dung của bạn vào đó, rất quan trọng khi bạn còn quá mới mẻ ở lĩnh vực này. Điều này sẽ giúp mọi người nhận diện bạn, “bắt sóng” chất của bạn và điều bạn muốn truyền tải, rồi từ đây bạn có thể mở rộng và tham gia thêm các nội dung chung khác.

Khi bạn quyết định được bản thân muốn tập trung vào đối tượng nào, hãy kiên định với nó và tạo ra những nội dung mà chính bạn cũng muốn xem đi xem lại. Là chính mình, quyết đoán, kiên nhẫn, chăm chỉ nhưng đồng thời đừng quên tận hưởng niềm vui. Tận hưởng những gì bạn đang làm và đừng quá lo lắng nếu có một khoảnh khắc nào đó bạn chưa kịp quay lại.

2. Lên kế hoạch cho nội dung của bạn

Nhìn từ ngoài vào, travel vlogger trông như chỉ cần bật máy quay lên và quay lại bất kỳ điều gì đang diễn ra. Nhưng thực ra, hầu hết vlogger sẽ quay được những sản phẩm thành công hơn khi dành nhiều nỗ lực lập kế hoạch cho nội dung trước khi quay.

Bạn có thể biết trước thời điểm của một chuyến đi, vậy hãy tận dụng thời gian này để tra cứu một vài từ khóa về địa điểm, địa hình ở chỗ bạn sắp tới, tham khảo qua những travel vlog nào đã từng được quay tại đó nếu có và xem chúng quay theo thể loại nào. Lên một ý tưởng mới mẻ phù hợp với phong cách của bạn, hay nếu chi tiết hơn, lập một danh sách các điểm quay, góc máy giả định cũng như trang phục bạn sẽ mặc.

Ngẫu hứng nghe hay đấy, nhưng có kế hoạch trước chưa bao giờ là thừa thãi!

3. Đừng chỉ có tiếng mà không có miếng

Có những người dành tận 5, 6 tháng trời chỉ để quảng bá kênh của họ với mong muốn tăng lượt theo dõi, mà quên rằng quan trọng hơn là cho khán giả thấy được giá trị của họ. Đừng giữ suy nghĩ “một nhà sáng tạo giỏi không thể có lượt theo dõi thấp” rồi điên cuồng đi rải bình luận trên các kênh khác, chia sẻ trên Facebook, Instagram,… mà lãng phí thời gian. Thay vì thế, hãy tìm học thêm hướng dẫn quay dựng, chuẩn bị nội dung và luyện tập góc quay để cải thiện kỹ năng cũng như chất lượng video tiếp theo của bạn.

Khi bạn hiểu được ưu và nhược điểm trong kỹ năng của bản thân, đâu là điểm bạn tỏa sáng nhất, thì loại nội dung thích hợp nhất với bạn cũng sẽ rõ ràng. Từ đó đối tượng khán giả của bạn sẽ lộ diện một cách tự nhiên mà không cần câu kéo, đánh giá cao nội dung của bạn và lựa chọn trung thành với bạn. Miếng mà bền thì chắc chắn tiếng cũng vậy và sẽ còn bay xa hơn.

4. “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”

Luôn cẩn thận với những nội dung bạn soạn hoặc ứng biến trong video. Khi bạn tải lên và công khai vlog của bạn với mọi người, khán giả của bạn có thể là bất kỳ ai, đến từ bất kỳ bối cảnh nào, và bạn cũng không thể hoàn toàn chắc chắn kể cả những người trong nhóm đối tượng khán giả của bạn sẽ 100% giống nhau. Ít nhất, hãy giữ cho ý kiến của bạn thật lịch sự, không xúc phạm, đả kích ai; cố gắng truyền đạt nội dung của bạn một cách nhân văn và chân thành. Và nếu cần đưa ra quan điểm cá nhân, đừng quên nhấn mạnh trước đó là ý kiến của cá nhân bạn, không phải là một sự thật hay đại diện cho đối tượng nào khác nữa.

Chúng ta có quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng ta không có quyền làm tổn thương bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.

5. Đầu tư vào âm thanh

Chọn một chiếc máy ảnh quay chụp chất lượng hình ảnh ổn định và có kháng thời tiết phù hợp với nhu cầu du lịch là rất tốt. Nhưng vlog còn là về âm thanh, và sẽ còn tốt hơn nữa nếu bạn chú trọng vào phần âm thanh. Nếu mic tích hợp trong máy là chưa đủ, hãy xem xét các phụ kiện bổ trợ bán lẻ. Hãy khiến khán giả của bạn muốn lắng nghe bạn. Nếu không ai muốn nghe bạn nói, không muốn xem bạn, vậy thì bạn sẽ không bao giờ có thể tương tác với bất kỳ ai và phát triển thương hiệu của bạn như mong muốn.

Tham khảo Stephanie Vermillion @ Adorama