Home > Tin Tức > Laptop > Surface Laptop 4: chọn AMD hay Intel?
LaptopTin TứcĐánh giáĐánh Giá Thiết Bị Khác

Surface Laptop 4: chọn AMD hay Intel?

5432964_cover_surfacelaptop4

Surface Laptop 4: chọn AMD hay Intel?

Microsoft đã vừa ra mắt dòng Surface Laptop 4, không thay đổi nhiều về thiết kế nhưng cấu hình đã tốt hơn và đáng xài hơn so với dòng Surface Laptop 3. Dựa trên các tùy chọn CPU mà Microsoft cung cấp với Surface Laptop 4 thì mình phân tích xíu để anh em dễ chọn mua. Hiện Microsoft đã cho đặt hàng trước tại đây.

Ryzen Mobile 4000 series 3.jpg

Nếu mà mua Surface Laptop 4 thì mình sẽ mua phiên bản AMD thay vì Intel. Trước đây với Surface Laptop 3, Microsoft đã từng sử dụng AMD nhưng là dòng Ryzen Mobile 3000 series với 2 tùy chọn là Ryzen 5 3580U đi với Radeon Vega 9 và Ryzen 7 3780U đi với Radeon RX Vega 11. Cả 2 CPU này đều là phiên bản được AMD hợp tác với Microsoft để tinh chỉnh lại, dành riêng cho dòng Surface nhưng về cơ bản chúng đều sử dụng kiến trúc Zen+ có từ năm 2018 – cùng một kiến trúc của dòng Ryzen 2000 series tức Ryzen thế hệ 2 (Pinnacle Ridge) trên desktop và Ryzen Mobile 3000 series (Picasso) cho laptop và dùng tiến trình 12nm cũ.

Trong khi đó với Surface Laptop 4 thì Microsoft đã nâng cấp các tùy chọn vi xử lý AMD với dòng Ryzen Mobile 4000 series và thực sự, nó đáng xài hơn rất là nhiều so với dòng 3000 series dù không phải là mới nhất tức Ryzen Mobile 5000 series. Giữa Ryzen Mobile 4000 series và 3000 series có sự nâng cấp lớn về mặt kiến trúc lẫn tiến trình sản xuất. Dòng chip này dùng kiến trúc Zen 2 và tiến trình 7nm của TSMC. Các phiên bản được Microsoft trang bị cho Surface Laptop 4 là Ryzen 5 4680U và Ryzen 7 4980U đều là các biến thể “thửa riêng” nhưng cũng dựa trên phiên bản gốc là Ryzen 5 4600U và Ryzen 7 4900U – cả 2 đều là các vi xử lý rất mạnh dù tiêu thụ điện năng thấp.

Ryzen Mobile 4000 series 4.jpg

Trong khi Zen+ chỉ cải tiến từ Zen đời đầu thì Zen 2 thay đổi lớn khi AMD chuyển sang sử dụng thiết kế đa chip trên một die hay chiplet với cụm các thành phần như vi điều khiển I/O, bộ nhớ và cầu Infinity Fabric được tách riêng thành một module. Trong khi đó các nhân xử lý được bố trí thành các CCX cùng bộ đệm, thiết kế này có thể tăng tiến và có thể được sản xuất trên tiến trình nhỏ. Nhờ đó, AMD có thể tăng số nhân của các vi xử lý Zen 2, bằng chứng là không chỉ các vi xử lý cho desktop mà các vi xử lý cho laptop như Ryzen Mobile 4000 series có số nhân lên đến 8 nhân, trên cả dòng U tiết kiệm điện và dòng H hiệu năng cao. Trong khi đó, Ryzen Mobile 3000 series dùng kiến trúc Zen+ bị hạn chế ở 4 nhân.

 

Đối với dòng Surface Laptop 3, 2 tùy chọn Ryzen gồm Ryzen 5 3580U và Ryzen 7 3780U chỉ có 4 nhân 8 luồng. Trong khi đó, 2 phiên bản Ryzen 5 4680U và Ryzen 7 4980U trên Surface Laptop 4 mới lần lượt có 6 và 8 nhân, đều hỗ trợ siêu phân luồng. Số nhân nhiều hơn là ưu điểm đầu tiên khiến mình thiên về các lựa chọn AMD lần này. Nếu anh em chưa hình dung Ryzen Mobile 4000 series, đặc biệt là dòng U mạnh ra sao thì có thể xem lại bài đánh giá chiếc Lenovo IdeaPad Slim 7 của mình, nó được trang bị con Ryzen 7 4800U 8 nhân 16 luồng và hiệu năng thật sự rất rất tốt.

So với Zen+, Zen 2 còn được cải tiến về xung nhịp so với Zen+ bởi các nhân xử lý giờ đây được sản xuất trên tiến trình 7nm tiên tiến trong khi module I/O dùng tiến trình lớn hơn, không bị phụ thuộc vào một tiến trình cho tất cả như thiết kế trước. Kết quả là Ryzen Mobile 4000 series dễ dàng đạt xung nhịp cao hơn trong khi có số nhân nhiều hơn so với dòng Ryzen Mobile 3000 series.

Ryzen Mobile 4000 series 2.jpg

Nếu như Ryzen 5 3580U và Ryzen 7 3780U trên dòng Surface Laptop 3 không thể đạt xung trên 4 GHz toàn nhân thì Ryzen Mobile 4000 series có thể dễ dàng đạt mức xung này. Chưa rõ biến thể Ryzen 5 4680U và Ryzen 7 4980U được Microsoft trang bị cho Surface Laptop 4 có mức xung ra sao nhưng rất có khả năng nó là các biến thể được tùy biến dựa trên Ryzen 5 4600U 6 nhân 12 luồng xung tối đa 4 GHz và Ryzen 7 4900U 8 nhân 16 luồng, xung tối đa 4,4 GHz (Ryzen 7 4900U là một phiên bản chưa từng được AMD công bố, dựa trên kết quả benchmark rò rỉ thì nó đạt xung 4,4 GHz, phiên bản cao cấp nhất của dòng Ryzen Mobile 4000 series dòng U hiện là Ryzen 7 4700U 8 nhân 16 luồng, xung tối đa 4,2 GHz).

Ryzen Mobile 4000 series 1.jpg

Việc sử dụng tiến trình 7nm cũng mang lại lợi thế lớn về hiệu năng/điện năng. Các phiên bản Ryzen Mobile 4000 series dòng U vẫn giữ TDP ở 15 W, tối đa 35 W trong khi có số nhân nhiều hơn và xung cao hơn. Tỉ lệ cải thiện về IPC giữa Zen 2 và Zen+ là 13%. Như vậy, dòng Ryzen Mobile 4000 series không chỉ cho hiệu năng xử lý tốt hơn ở đơn lẫn đa nhân mà còn cho thời lượng sử dụng pin dài hơn. Đây là điều mà mình đã chứng kiến trên cả 2 mẫu máy là Lenovo IdeaPad Slim 7 và HP EliteBook 845 G7 đều dùng Ryzen Mobile 4000 series dòng U, thời lượng pin khi mình dùng làm việc rất lâu, có thể đạt được 8 tiếng nếu chỉ dùng văn phòng.

Microsoft có nêu rõ về sự cải thiện về thời lượng pin trên Surface Laptop 4. Hãng không thay đổi thiết kế máy, không thay đổi dung lượng pin mà chính vi xử lý đã khiến pin của máy lâu hơn trong khi vừa cho hiệu năng xử lý cao hơn. Surface Laptop 3 có thời lượng pin tối đa 11,5 tiếng đối với cả 2 phiên bản 13,5″ và 15″ trong khi Surface Laptop 4 chạy AMD Ryzen Mobile 4000 series cho thời lượng pin tối đa 19 tiếng trên phiên bản 13,5″ và 17,5 tiếng cho phiên bản 15″.

Ryzen Mobile 4000 series 5.png

Một điểm nữa đáng để xem xét là nhân xử lý đồ họa tích hợp trên Ryzen Mobile 4000 series. Nhân đồ họa Radeon RX Vega trên dòng Ryzen Mobile 4000 series cũng được cải tiến đáng kể so với Ryzen Mobile 3000 series. Nó được sản xuất trên tiến trình 7nm tương tự như các nhân xử lý Zen 2, từ đó nó có thể đạt xung nhịp cao hơn đáng kể so với nhân đồ họa Vega trên Ryzen Mobile 3000 series.

Radeon RX Vega trên Ryzen Mobile 4000 series có ít nhân xử lý hơn so với RX Vega trên Ryzen Mobile 3000 series. Chẳng hạn như Ryzen 7 4980U đi với Radeon RX Vega 8 (8 CU) còn Ryzen 5 4680U đi với Radeon RX Vega 6 (6 CU), ít hơn so với 11 CU của Ryzen 7 3780U và 9 CU của Ryzen 5 3580U. Tuy nhiên, hiệu năng đồ họa của thế hệ Vega mới cao hơn 59%so với Vega cũ, biến thể Radeon RX Vega 8 cho hiệu năng FP32 đạt 1,79 TFLOPS, cao hơn RX Vega 11 thế hệ cũ 0,38 TFLOPS. Hiệu năng này không chỉ đến từ xung nhịp cao hơn mà còn đến từ bộ nhớ LPDDR4x.

Microsoft trang bị cho dòng Surface Laptop 4 loại RAM LPDDR4x với tốc độ truyền tải đạt 4266 MT/s, có các tùy chọn dung lượng 8/16 và 32 GB. GPU Radeon RX Vega sẽ hưởng lợi từ bộ nhớ RAM này với băng thông lớn hơn đáng kể so với loại bộ nhớ DDR4-2400 (tốc độ 2400 MT/s) mà Microsoft trang bị cho Surface Laptop 3 trước đây. Bộ nhớ RAM tốc độ cao cũng là cải tiến lớn giữa Zen 2 và Zen + và nó mang lại hiệu năng tăng cường cho cả CPU lẫn GPU tích hợp.

Surface-Laptop-4.jpg

Nói đến đây thì hẳn anh em đã thấy được sự khác biệt lớn giữa Ryzen Mobile 4000 series và Ryzen Mobile 3000 series. Hơi tiếc là Microsoft vẫn chưa sử dụng vi xử lý Ryzen Mobile 5000 series mới cho Surface Laptop 4 nhưng đối với cá nhân mình, Ryzen Mobile 4000 series vẫn rất đáng để mua.

Cần lưu ý chỗ này: 2 tùy chọn CPU AMD Ryzen Mobile 4000 series sẽ được chia cho 2 phiên bản 13,5″ và 15″. Phiên bản 13,5″ chỉ có tùy chọn Ryzen 5 4680U 6 nhân 12 luồng còn bản 15″ có Ryzen 7 4980U 8 nhân 16 luồng. Cả 2 đều cho hiệu năng đa nhân rất mạnh, nếu anh em thích pin lâu thì chọn bản Ryzen 5 4680U với Surface Laptop 4 13,5″ còn nếu thích hiệu năng cao nhất thì Ryzen 7 4980U với Surface Laptop 4 15″.

Surface Laptop 4 13.5.jpg

Hiện tại trên trang chủ của Microsoft US, tùy chọn AMD không đa dạng theo màu máy tức là nếu anh em mua Surface Laptop 4 13,5″ màu Platinum thì mới có tùy chọn AMD Ryzen 5 4680U, đi với 8 GB hoặc 16 GB RAM và SSD 256 GB, giá bán lần lượt là 999 USD và 1199 USD. Nếu chọn các màu sắc khác thì chỉ có tùy chọn vi xử lý Intel, mình nghĩ là do tình trạng thiếu hụt chip của AMD hiện tại đã ảnh hưởng đến điều này.

Surface Laptop 4 15.jpg

Với phiên bản Surface Laptop 4 15″, nó chỉ có 2 màu là Platinum và Matte Black, đều có tùy chọn AMD Ryzen 7 4980U đi với bộ nhớ 8 GB hoặc 16 GB, SSD 256 GB hoặc 512 GB với giá bán từ 1299 USD (8 GB/256 GB), 1499 USD (8 GB/512 GB) đến 1699 USD (16 GB/512 GB).

Intel Tiger Lake U.jpg

Các tùy chọn vi xử lý Intel đợt này cũng tốt hơn so với Surface Laptop 3 nhưng so với AMD thì không hấp dẫn bằng. Microsoft chọn các vi xử lý Core i5-1135G7 và Core i7-1185G7 đều thuộc thế hệ Tiger Lake-U cho Surface Laptop 4, nâng cấp từ Core i5-1035G7 và Core i7-1065G7 thế hệ Ice Lake-U của Surface Laptop 3.

Intel Tiger Lake U Willow Cove.jpg

So giữa 2 dòng chip này thì về số nhân không đổi tức các tùy chọn Core i5 và i7 đều có 4 nhân 8 luồng. Tuy nhiên Tiger Lake được cải tiến về mặt kiến trúc với Willow Cove thay cho Sunny Cove của Ice Lake và sử dụng tiến trình sản xuất 10nm SuperFIN tiên tiến hơn. Hiệu năng IPC của Tiger Lake cao hơn 18% so với Ice Lake bởi kiến trúc Willow Cove khiến các vi xử lý Tiger có thể đạt xung nhịp cao hơn ở cùng mức điện năng so với Ice Lake. Chẳng hạn như Core i5-1135G7 đạt xung đến toàn nhân ở 3,8 GHz và đơn nhân 4,2 GHz trong khi phiên bản Core i7-1185G7 có thể đạt xung toàn nhân 4,3 GHz và đơn nhân đến 4,8 GHz. Trong khi đó Core i5-1035G7 chỉ có thể đạt xung tối đa ở 3,8 GHz và Core i7-1065G7 tối đa 3,9 GHz.

Intel Tiger Lake U 1.jpg

Cải thiện về điện năng tiêu thụ cũng là điều được Intel tập trung cải tiến trên dòng Tiger Lake-U và với tiến trình 10nm SuperFIN, Tiger Lake-U cho thời lượng sử dụng pin tốt hơn đáng kể so với Ice Lake-U. Microsoft nêu thời lượng pin trên Surface Laptop 4 là 16,5 tiếng cho phiên bản 15″ và 17 tiếng cho phiên bản 13,5″, trong khi đó dòng Surface Laptop 3 với Ice Lake-U là 11 tiếng với cùng dung lượng pin.

Mặc dù không có được số nhân nhiều như các tùy chọn AMD Ryzen Mobile 4000 series nhưng Intel thế hệ 11 dòng U trên Surface Laptop 4 có một điểm sáng đó là nhân đồ họa Iris Xe. Với thế hệ Ice Lake-U, nó vẫn dùng các nhân đồ họa Iris Plus dùng kiến trúc đồ họa Gen11 của Intel. Phiên bản G7 trên dòng Core i5-1035G7 hay Core i7-1065G7 đều có 64 nhân đồ họa (EU) với xung nhịp tối đa 1050 MHz. Hiệu năng của nó được so sánh nhỉnh hơn một chút so với nhân Radeon RX Vega 10 của Ryzen 7 3700U khi chơi game. Chuyển sang thế hệ Tiger Lake thì Intel đã tích hợp Iris Xe với kiến trúc đồ họa Gen12 hoàn toàn mới.

Intel Tiger Lake U 3.jpg

Biến thể Iris Xe G7 trên Core i5-1135G7 có 80 EU, xung tối đa 1250 MHz còn biến thể G7 trên Core i7-1185G7 có 96 EU, xung tối đa 1350 MHz và đây cũng là biến thể lớn nhất. Kèm với việc Tiger Lake-U đã hỗ trợ RAM LPDDR4x với tốc độ 4266 MT/s thì hiệu năng của dòng Iris Xe trên Tiger Lake-U đã tương đương với dòng GeForce MX350. Nó đủ mạnh để anh em có thể chơi những tựa game online với độ phân giải FHD ở tỉ lệ khung hình 60 fps hay các tựa game AAA với tỉ lệ khung hình trên 30 fps, vượt sức mạnh của Vega 8 trên Ryzen 7 4800U.

Intel Tiger Lake U 2.jpg

Ngoài ra thì Intel còn tích hợp nhiều công nghệ mới vào Tiger Lake chẳng hạn như Intel Gaussian & Neural Accelerator (GNA) và DL Boost để hỗ trợ gia tốc xử lý cho các tác vụ khai thác thuật toán máy học, AI như các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, khử tạp âm khi gọi video, xóa phông nền … những tính năng này đang rất cần thiết cho nhóm người dùng sáng tạo cũng như nhu cầu hội họp và học tập trực tuyến, từ xa hiện tại.

2 tính năng đáng chú ý khác của Tiger Lake là hỗ trợ Thunderbolt 4 và PCIe 4.0. Về Thunderbolt thì Microsoft vẫn không trang bị cổng này trên Surface Laptop 4 dù vẫn có USB-C thế nên riêng trên Surface Laptop thì Thunderbolt không phải là một lợi thế để người dùng chọn mua Intel thay vì AMD. Về phần PCIe 4.0 thì chưa rõ ổ SSD Microsoft trang bị cho Surface Laptop 4 có dùng chuẩn này hay không.

Surface Laptop 4.jpg

Cần lưu ý chỗ này: Core i5-1135G7 hay Core i7-1185G7 đều có 4 nhân 8 luồng, chỉ khác về xung nhịp và hiệu năng đồ họa của Iris Xe sẽ thấp hơn vì khác số EU. Vì vậy với nhu cầu bình thường thì Core i5-1135G7 đã đủ để đáp ứng, không cần đến Core i7-1185G7 chi cho đắt tiền.

Mình kiểm tra trên trang chủ Microsoft thì các tùy chọn CPU Intel có trên tất cả các tùy chọn màu sắc và phiên bản máy 13,5″ lẫn 15″. Phiên bản 13,5″ chạy Core i5-1135G7 sẽ có giá từ 1299 USD (8GB/512 GB) đến 1499 USD (16 GB/512 GB). Trong khi đó nếu anh em chọn Core i7-1185G7 thì giá của phiên bản 16 GB/512 GB sẽ lên đến 1699 USD, phiên bản 32 GB/1 TB vẫn chưa có hàng như giá sẽ đến 2299 USD. Nếu chọn Surface Laptop 4 bản 15″ thì Microsoft chỉ cung cấp tùy chọn Core i7-1185G7, 16 GB RAM và 512 GB SSD, giá 1799 USD.

Anh em thấy AMD hay Intel đáng mua hơn với Surface Laptop 4?

Theo bk9sw @ Tinh tế