Chụp ảnh trên không chắc hẳn phức tạp và cần độ sáng tạo cao hơn nhiều so với hình dung ban đầu của nhiều người, tuy nhiên đây cũng là một trong những thể loại nhiếp ảnh thú vị, mãn nhãn nhất. Về cơ bản, có 2 loại nhiếp ảnh gia chụp ảnh máy bay: một loại tiếp cận trường bay/máy bay (nhân viên sân bay, phi công, nhiếp ảnh gia thương mại…) và loại còn lại thì không. Thường thì đa số chúng ta sẽ nhìn qua rào chắn hoặc cửa kính sân bay và cố gắng chụp lại ảnh máy bay.
Trong bài viết này mình sẽ tập trung chia sẻ cảm hứng và các khả năng nhiếp ảnh đối với máy bay và sân bay, thay vì khai thác về khía cạnh kỹ thuật.
Nội dung
- Tại sao chụp ảnh máy bay?
- Chụp máy bay ở đâu?
- Làm thế nào chụp ảnh máy bay đẹp?
- Cần thiết bị gì để chụp ảnh máy bay?
- Chụp lúc máy bay cất cánh và hạ cánh như thế nào?
- Làm sao để chụp hậu cảnh sạch?
- Làm thế nào chụp trong thời tiết xấu mà vẫn đẹp?
- Chú ý khi nào chiếc máy bay yêu thích của bạn sắp sửa hạ cánh
- Chỉnh sửa và đăng tải những bức ảnh xuất sắc nhất
- Tiếp cận máy bay ở khoảng cách gần
Tại sao chụp ảnh máy bay?
Mình yêu thích những chiếc máy bay. Thật sự thì tương tự các chủ đề nhiếp ảnh khác, những bức ảnh đẹp nhất thường tới từ tình yêu dành cho chủ thể. Máy bay đại diện cho chuyển động, sức mạnh, sự tự do, kỹ thuật và cả tính phiêu lưu.
Những người chụp ảnh máy bay thường có thể lật lại sở thích từ thuở niên thiếu, khi còn đi máy bay du lịch cùng gia đình, lắp ráp mô hình hoặc xem những bộ phim có liên quan đến máy bay, khắc họa hình ảnh những chú chim sắt gầm vang như sấm nện trên bầu trời.
Chụp máy bay ở đâu?
Dĩ nhiên là ở sân bay rồi! Hầu hết mọi người sẽ bay vì công việc hoặc nghỉ dưỡng ít nhất một lần trong năm, luôn có cơ hội để làm vài cú máy giữa những chặng nối chuyến khi bay đến các thành phố xa xôi. Nếu bạn cần nối chuyến bay, hãy nhớ mang theo máy ảnh để có thể ghi lại những khoảng khắc thú vị của máy bay cũng như các phương tiện hỗ trợ dưới mặt đất cho nó. Bạn cũng có thể chụp được khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh tại một số sân bay. Thỉnh thoảng bạn cũng không cần phải bay hay sống gần một sân bay nào đó thì mới tiếp cận chụp được ảnh máy bay. Trên thực tế, khi sân bay càng nhỏ, bạn càng có cơ hội đến gần một chiếc máy bay, thậm chí cả đường băng, phi công địa phương và nhân viên công tác tại sân bay.
Các buổi trình diễn trên không (airshow và fly-in) là một trong những dịp tốt nhất để tiếp cận gần. Bạn sẽ được thấy máy bay trong những sắc thái khác nhau chỉ trong một ngày, cũng như có cơ hội chụp ảnh máy bay. Hàng năm có hàng trăm airshow diễn ra trên khắp thế giới, nhiều nhất là ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Google Maps cung cấp một nguồn thông tin vô giá về đường lối xung quanh khu sân bay. Bạn thậm chí có thể tham khảo các vị trí đắc địa trên các website, hội nhóm chuyên chụp ảnh máy bay, cũng như dắt túi thủ thuật, mẹo về bãi đỗ, nhà vệ sinh, hàng ăn và nhiều thông tin hữu ích khác. Bạn cũng sẽ tìm được những chỉ dẫn, lời khuyên để chọn ống kính lý tưởng phù hợp với các điểm chụp khác nhau ở sân bay.
Làm thế nào chụp ảnh máy bay đẹp?
Đơn giản nhất là chụp bằng cảm xúc.
Máy bay cũng như con người, có đa dạng dáng vóc và màu sắc có thể được chụp lại theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể chụp máy bay cất cánh, hạ cánh, cận cảnh, toàn cảnh, mây trắng trời xanh, xe trung chuyển đưa rước… chưa kể ảnh chụp giờ vàng và kể cả nhân viên làm việc với máy bay và ở sân bay.
Đối với những người quan sát thông thường, máy bay có vẻ khó chụp cho ra cái “thần”, chụp sao cho đẹp, có giá trị thẩm mỹ của cả nhiếp ảnh và chủ thể trong đó.
Bức ảnh chụp máy bay có thể ghi lại phản chiếu của các tấm nền kim loại trần trụi cũ kỹ của một chiếc Airline, vân nền của một chiếc Warbird đi dự airshow, những vệt nước ngưng tụ do thời tiết, bộ động cơ trục GE khổng lồ hay là khoảnh khắc bóng của một chiếc 747 đang hạ cánh đổ xuống giữa trời hoàng hôn.
Nếu có khả năng xử lý các yếu tố khác nhau, bạn còn có thể khai thác thể loại hình trừu tượng. Tương tự với bất kỳ bức ảnh đẹp nào, mọi thứ tựu lại là về khả năng xử lý của bạn, về màu sắc, hình dạng, chất liệu, họa tiết, đường thẳng, không gian âm cũng như bố cục tổng thể.
Không thiếu những cú máy đơn giản chụp lại những khi máy bay lướt trên đường băng, cất cánh, hạ cánh.
Cần thiết bị gì để chụp ảnh máy bay?
Lý tưởng nhất là sử dụng một bộ máy ảnh với cả ống kính tiêu chuẩn lẫn ống chụp siêu xa trong trường hợp bạn chụp từ khoảng cách rất xa. Cá nhân mình thường chụp với ống 200-500 từ hàng rào, nhưng mình cũng thủ thêm một ống zoom ngắn như 16-80mm hay 55-200mm đề phòng máy bay có chạy ngang gần trước mình. Nếu chụp từ khu vực ga sân bay thì nên dùng ống kính rộng hoặc cực rộng là tốt nhất. Mấu chốt là phải hiểu máy ảnh và có thể tự tin chụp trong chủ thể di chuyển nhanh hoặc trong điều kiện thay đổi liên tục. Và dù có máy ảnh chụp tốc độ khung hình cao kèm ống kính xa nhanh hữu dụng đấy, nhưng bạn vẫn có thể chụp đẹp chỉ với thân máy cơ bản và ống kính kit. Các phòng chờ và khu vực ngắm cảnh ở sân bay cũng là một điểm chụp ổn cho các cú máy cận khi máy bay đỗ.
Chụp lúc máy bay cất cánh và hạ cánh như thế nào?
Đối với nhiều cú máy, khoảnh khắc quan trọng nhất có thể là khi máy bay quay và nhấc bánh xe lên hoặc là vừa chạm tới làn mây. Lý tưởng khi bạn muốn đón đầu máy bây để lấy tầm nhìn phía chính diện, đồng nghĩa đặt vị trí của bạn vào khoảng 1/3 dưới đường băng từ đầu hạ cánh hoặc để cất cánh bất kỳ đâu từ đường giữa cho máy bay loại nhỏ tới 3/4 đường cho dòng máy bay lớn. Xét đường băng hiện đại có thể dài tới hơn 10,000′, cũng đồng nghĩa phải đi bộ nhiều để lấy được góc máy đẹp nhất nhưng dù sao cũng xứng đáng.
Nên chuẩn bị kỹ. Kiểm tra đi kiểm tra lại tiêu cự bằng các cú máy chụp thử, kiểm tra phơi sáng dưới ánh sáng phức tạp, chụp càng nhiều hình càng tốt. Dùng máy ảnh có tốc độ chụp tối thiểu từ 7fps là lý tưởng nhất. Kế đó là chỉnh sửa tới khi còn 1 tấm đỉnh nhất, sắc nét nhất, hậu cảnh sạch nhất. Nếu một hình không ổn ở full frame thì có thể crop lại để lấy phần nhìn đẹp nhất, ví dụ như crop vào cánh hay động cơ.
Làm sao để chụp hậu cảnh sạch?
Hãy lập trước kế hoạch. Tránh các trụ cột, tòa nhà, dây nhợ hay bất kỳ yếu tố nào gây nhiễu cho bức hình của bạn. Đối với chụp máy bay đang di chuyển vào đường băng, hãy nghiên cứu khi nào nên nhấn nút trập trong lúc bám theo và chụp đối tượng giữa các vật cản. Kiểm tra hình đã chụp trước khi chụp cho chiếc máy bay kế tiếp. Đối với các vật thể lớn như tòa nhà không đẹp thì chỉ có thể giảm thiểu bằng cách đổi vị trí chụp. Khi căn hình chụp đường chạy đỗ, phải hình dung trước và chụp liên tiếp nhiều ảnh quanh vùng hoàn hảo, ở hậu kỳ mới bắt đầu tìm ra tấm hình sạch nhất.
Làm thế nào chụp trong thời tiết xấu mà vẫn đẹp?
Bầu trời tối sầm và những đám mây nguy hiểm sẽ tăng độ kịch tính cao hơn so với trời xanh mây trắng thông thường. Nếu chụp sấm sét thì cũng không nhất thiết phải có mưa. Và hãy đảm bảo bạn và thiết bị của bạn được giữ an toàn, che chắn cẩn thận.
Chú ý khi nào chiếc máy bay yêu thích của bạn sắp sửa hạ cánh
Mình dùng một app tên là FlightRadar24 hiển thị theo thời gian thực ổn áp hơn mấy trang web theo dõi chuyến bay thông thường. Khi thấy được đường băng nào được dùng, bạn có thể xem máy bay nào vào đường băng, chiếc nào đang bay cách đó, chiếc nào đang bay tới từ đường chân trời. Bạn cũng có thể xem thời gian đến và đi trên bảng thông báo ở sân bay và lên kế hoạch cho phù hợp. Các ứng dụng theo dõi chuyến bay còn hiển thị máy bay nào đi chệch hướng do khẩn cấp.
Chỉnh sửa và đăng tải những bức ảnh xuất sắc nhất
Hậu kỳ là một mảng riêng, nhưng ở đây mình cũng sẽ nhắc đến một vài nguyên tắc cơ bản. Cá nhân mình cũng không phải dân hậu kỳ chuyên nghiệp gì, mình chỉ cố gắng chắt lọc những bức ảnh đẹp nhất có thể dựa trên độ sắc nét, hiệu ứng không khí, hậu cảnh sạch, độ hấp dẫn mức ấn phẩm, hoặc đơn giản là dựa theo cảm tính. Có tấm lưu được, có tấm không. Đối với màu sắc, mình thường không sửa quá nhiều so với thực tế, nhưng tất nhiên bạn luôn có thể táy máy với độ rực màu và độ bão hòa để làm các chi tiết nhất định trông nổi bật hơn! Các màu đen và trắng thỉnh thoảng có thể góp phần gia tăng độ kịch tính hoặc làm dịu cho bức ảnh.
Mình cũng thường không đăng nhiều hình thuộc cùng một chuỗi chụp liên tiếp, trừ khi có sự kiện gì đó thực sự ấn tượng xảy ra. Nếu đăng nhiều hình giống nhau lên, ta đã vô tình làm giảm sức mạnh của câu chuyện trong chúng. Chỉ nên chọn một tấm nổi trội duy nhất. Điều này cũng áp dụng với nhiều thể loại nhiếp ảnh khác chứ không chỉ riêng chụp ảnh máy bay. Mình có thể chụp cả đống hình, ví dụ với máy ảnh chụp liên tiếp 7fps hoặc 9fps, mình sẽ thu lại tầm 500 tới 1000 tệp hình chỉ sau vài tiếng. Tới cuối nếu mình đủ hên với ánh sáng, tiêu cự và nội dung, mình có thể xuất ra được nửa tá hình hoàn thành đáng cho người khác xem. Dù sau thì cũng đừng vội nản lòng và hãy luôn cố gắng cải thiện.
Tiếp cận máy bay ở khoảng cách gần
Hãy tìm hiểu các sân bay cỡ nhỏ ở nơi bạn sống và ghé qua đó. Độ an ninh sẽ không quá gắt, người ta cũng dễ thân thiện hơn khi bạn thể hiện rõ đam mê và mục đích chuyến thăm. Các phi công cá nhân có lẽ cũng sẽ thích xem được khoảnh khắc họ hạ cánh. Cũng đừng bỏ qua các buổi airshow và fly-in nếu có cơ hội, hoàn hảo để chụp gần những chiếc máy bay hiếm gặp ở những sân bay chính thống.
Ảnh: Grim Corsair
Nguồn: photographylife