2022 hẳn là năm phân khúc APS-C tỏa sáng. Từ Canon trình làng hệ máy R APS-C mà hãng đã ấp ủ từ lâu đến Fujifilm ra mắt máy ảnh APS-C cao cấp nhất hiện nay của họ – và nay là Sony giới thiệu bộ 3 ống kính APS-C góc rộng mới gồm 10-20mm f/4 PZ, 15mm f/1.4 và 11mm f/1.8.
Nội dung
Sony E PZ 10-20mm f/4 G
Chất lượng ống kính
Ở ngoại hình, Sony E PZ 10-20mm f/4 G cho ấn tượng của một ống kính mới với kích thước gồm rộng 64mm và dài 54 mm và sở hữu nhiều bổ sung trên thân ống kính gồm nút gạt zoom, nút custom và nút gạt chế độ lấy nét. Vòng zoom và lấy nét bằng nhựa tối giản, chuyển động mượt mà, phủ cao su để tăng cảm giác cao cấp. Rất may là ống kính không kéo ra trong lúc zoom.
Sony khẳng định ống 10-20mm f/4 PZ G này không chỉ là ống kính zoom APS-C góc cực rộng nhỏ nhất hiện nay mà còn nhẹ hơn đến 46% so với nhiều đối thủ khác. Ống kính chỉ nặng 175g, hoàn hảo kết hợp với thân máy Sony nhỏ gọn như ZV-E10, tạo thành trọn bộ thiết bị phù hợp du lịch, vlog bất kể để vào hành lý hay cầm trên tay.
Mặt kính phía trước dạng lồi nhưng ống kính vẫn nhận kính lọc 62mm. Phía sau ống kính có một vòng cao su mỏng giúp bảo vệ khỏi bụi và ẩm rơi vào điểm lắp.
Chất lượng hình ảnh
Bên trong ống 10-20mm f/4 PZ G sử dụng 2 thấu kính tán xạ cực thấp (ED) và 1 thấu kính ED phi cầu. Trong 3 ống kính ra mắt cùng lúc thì đây là chiếc có hiệu năng cao nhất khi chụp trong điều kiện ngược sáng. Vùng sáng rõ nhưng vẫn có những điểm màu bị chói. Độ tương phản được tái hiện tốt, viền màu rất nhẹ tại các rìa tương phản cao.
Khi test độ nét tại 10mm ở tâm hình, mình phát hiện chụp ở khẩu f/4 rất ổn, khép tới f/6.3 là tốt nhất, còn từ f/9 thì ảnh dần nhòe. Ở các góc, khép 1 stop xuống f/5.6 sẽ cho kết quả sắc nét nhất.
Nhìn vào độ nét tại 20mm ở tâm hình, f/4 cho kết quả tốt hơn so với ở 10mm, f/6.3 vẫn cho kết quả tốt nhất và ảnh chỉ bắt đầu nhòe từ f/13. Các góc lại khá thú vị khi có vẻ khẩu càng khép thì hình càng soft. Khác với 2 người anh em kia thì ống 10-20mm này có thể khép khẩu tới f/22.
Khoảng cách lấy nét gần nhất chỉ cách vài mm từ phía trước ống kính, khoảng 0.12mm tại 10mm và 0.16mm tại 20mm. Đặc trưng này tạo nên góc nhìn thú vị do góc nhìn cực rộng kết hợp giữ tiêu điểm trên chủ thể được lấy nét gần. Khi chụp ở khẩu f/4 như ảnh minh họa, chủ thể sẽ được làm nổi lên từ đốp hình.
Sony E 15mm f/1.4 G
Chất lượng ống kính
Trong bộ 3 ống kính Sony APS-C mới thì có lẽ Sony E 15mm f/1.4 G là chiếc có vẻ cao cấp hơn. Ống kính có kích thước 66.6mm x 69.5mm với khẩu độ f/1.4.
Ngoài một vòng lấy nét thì ống kính còn có vòng chỉnh khẩu độ, nút gạt declick, nút custom và nút gạt chế độ lấy nét. Vòng lấy nét thao tác khá mượt, được phủ cao su. Vòng chỉnh khẩu ở chế độ declick còn xoay mượt hơn vòng lấy nét.
Ống kính nặng 218g chỉ nặng hơn ống 10-20mm một chút nhưng chụp tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu nhờ khẩu độ f/1.4. Ống kính này kết hợp với thân máy Sony ZV-E10 tạo bộ thiết bị hoàn hảo về kích thước và tính di động, đáp ứng trường chụp dài.
Mặt kính phía trước có dạng lồi nhẹ, nhận kính lọc 55mm. Phía sau ống kính này cũng có vòng cao su để bảo vệ điểm lắp khỏi bụi và ẩm.
Chất lượng hình ảnh
Bên trong ống kính 15mm f/1.4 G gồm 3 thấu kính phi cầu giúp duy trì độ sắc nét trên toàn khung hình. Khi test độ nét ở tâm hình, mình thấy ảnh chụp tại khẩu f/1.4 có chất lượng ổn, khép tới f/3.5 là xuất sắc nhất và chỉ từ f/11 hình mới bắt đầu soft do nhiễu xạ. Ở các góc thì hình chụp tại f/5.6 là nét nhất.
Ống 15mm f/1.4 G có một nhược điểm là nguồn sáng càng mạnh thì flare càng nhiều. Mình nghĩ hệ thống quang học không cố tránh lỗi này, mà chỉ tập trung vào độ nét và màu trên toàn khung hình. Mình không nghĩ mình sẽ mua ống này để chụp phong cảnh, vì mình sẽ cần phơi sáng riêng lẻ rất nhiều lần để kiểm soát lỗi rồi sau đó phải ghép hình lại. Điểm cộng là ống kính không bị viền màu quá đáng kể trên các rìa có độ tương phản cao.
Sony 15mm f/1.4 G có 7 lá khẩu tròn nhưng ảnh test cho thấy vùng xóa phông trông hơi rối. Méo hình lồi (barrel distortion) trên ống kính góc rộng này cũng gây bokeh hình mắt mèo tập trung ở chính giữa hình. Cá nhân mình thì thích kiểu hiệu ứng này, nhưng có vẻ không phải ai cũng thích vậy.
Khoảng cách lấy nét gần nhất của ống kính là 0.2m khi lấy nét tự động hoặc 0.17m khi lấy nét tay, đều cho phép xóa phông khá ổn khi kết hợp khẩu nhanh f/1.4 mà vẫn giữ được góc nhìn thoáng.
Sony E 11mm f/1.8
Chất lượng ống kính
Cuối cùng trong bộ 3 này là ống Sony 11mm f/1.8, đây là ống kính thường duy nhất trong khi 2 ống kia đều thuộc dòng Sony G.
So với ống 15mm f/1.4 G ở trên thì E 11mm f/1.8 không có vòng chỉnh khẩu độ cũng không có nút gạt declick, nhưng vẫn có nút custom hữu dụng và nút gạt chế độ lấy nét trên thân máy. Vòng lấy nét bằng nhựa và trượt khá mượt, so với vòng lấy nét của 15mm thì hơi rít, nhất ở khúc đầu và tại các stop.
Ống kính có kích thước 66mm x 57.5mm, nhỏ gọn ấn tượng dù có góc nhìn rộng và khẩu nhanh f/1.8. Trọng lượng chỉ 178g gần bằng ống 10-20mm f/4 phía trên. Nhìn chung bộ 3 ống kính Sony APS-C mới này đều có thể đồng hành chụp du lịch dễ dàng, di chuyển thoải mái.
Ống kính này cũng có mặt trước dạng lồi, nhận kính lọc 55mm và ngàm phía sau có bọc vòng cao su chống bụi, ẩm.
Chất lượng hình ảnh
Tương tự người anh em 15mm f/1.4 G, ống kính này cũng có 3 thấu kính phi cầu để duy trì độ sắc nét trên toàn khung hình. Hình test độ nét tại trung tâm cho thấy f/1.8 có vẻ hơi soft nhưng sẽ nét hơn tại f/2.5. Khi khép khẩu tới f/5 hình sẽ đạt độ nét cao nhất, còn tại f/9 hình sẽ bắt đầu soft. Về các góc, càng khép khẩu thì hình càng nhanh soft. Ống kính này và chiếc 15mm f/1.4 G phía trên đều chỉ khép tới f/16.
Trường hợp flare của ống kính này cũng giống ống 15mm f/1.4 G phía trên, trong một số điều kiện sẽ hút mất sự chú ý khỏi nội dung của bức hình. Nhiếp ảnh gia phong cảnh thường chụp vào mặt trời sẽ muốn lưu ý vấn đề này khi sử dụng ống 11mm f/1.8 này.
Sony 11mm f/1.8 có 7 lá khẩu nhưng ở góc nhìn rộng như vậy mình nghĩ nó không như chiếc 15mm f/1.4. Bokeh khá dày nhưng khó thấy, trừ khi bạn chụp đốp cực kỳ gần.
Khoảng cách lấy nét gần nhất chỉ 0.12m cho phép ống kính chụp cận cảnh hay ho với góc ảnh rộng thoáng. Khẩu f/1.8 giúp phơi sáng tốt, nhưng hiệu ứng đốp ảnh lại không mấy ấn tượng.
Kết
APS-C vẫn luôn phát triển với nhịp độ khiêm tốn nên khá thú vị khi thấy phân khúc này đột ngột nhận được sự chú ý lớn, với việc Sony ra mắt cùng lúc 3 ống kính có vẻ hao hao nhau. Trong khi ống 15mm f/1.4 G cho chất lượng hình ảnh tổng thể tốt nhất thì chiếc PZ 10-20mm thiên về tính linh hoạt, còn 11mm là sự lựa chọn tốt về giá và góc chụp rộng.
Có dòng nào thay thế được không?
Trước ống kính mới 10-20mm f/4 PZ G, Sony cũng đã có một phiên bản 10-18mm f/4 OSS sắp được 1 thập kỷ tuổi đời. Ưu điểm của chiếc 10-18mm so với đàn em mới là nó có sẵn cơ chế ổn định hình ảnh quang học SteadyShot.
Thay thế Sony 15mm f/1.4 G có lẽ sẽ là Sigma 16mm f/1.4 DC DN Contemporary. Ống của Sigma không có các trang bị mở rộng như Sony, đổi lại bạn sẽ có khẩu f/1.4 với tiêu cự gần như tương tự. Việc đánh đổi trang bị cũng đổi lại mức giá vừa túi hơn.
Ống Sony 11mm f/1.8 thì có thể thay với Samyang 12mm f/2 AF, vẫn là ống kính góc cực rộng nhỏ gọn với khẩu nhanh nhưng bớt lại các trang bị mở rộng của Sony.
Có nên mua hay không?
Câu trả lời là có. Xét về giá bán của bộ ba này thì mình muốn khả năng giảm flare phải cao hơn, nhưng nhìn chung mình không thể nói chúng hoàn toàn không đáng cân nhắc. Đây đều là các ống kính sắc nét chụp góc rộng nhưng không bị méo hình quá mức. Hơn hết, chúng là ống kính APS-C nguyên bản sở hữu thiết kế di động và chất lượng hình ảnh cao.
Nguồn: Petapixel