Sony ZV-E10 là máy ảnh chuyên quay vlog mới nhất của Sony. Đây là máy ảnh mirrorless kế thừa nhiều thuộc tính thuộc cảm biến của dòng Alpha, kết hợp với bộ tính năng của người anh em compact chuyên vlog ZV-1. Có thể nói đây là một sự kết hợp tuyệt vời, nhưng ZV-E10 sẽ ra sao nếu đặt cạnh những máy ảnh khác cùng hãng? Và so sánh với những đối thủ nặng ký khác từ các thương hiệu cạnh tranh? Cùng xem xét vị trí của Sony ZV-E10, kể cả là máy ảnh chuyên làm vlog hay máy ảnh mirrorless di động hàng ngày. Trong bài viết này, chúng ta sẽ so sánh theo các trường hợp sử dụng thông thường và xem xét các thông số kỹ thuật một cách khách quan.
Tuy nhiên phải lưu ý, một chiếc máy ảnh trông tốt hơn trên lý thuyết không có nghĩa nó là chiếc máy tốt hơn cho bạn. Hãy cân nhắc dựa trên thể loại nhiếp ảnh bạn chụp và những tính năng bạn cần nhất.
Nội dung
Sony ZV-E10 vs Sony ZV-1
Đây có lẽ là một trong những so sánh hiển nhiên nhất, bởi ZV-E10 kế thừa rất nhiều thứ từ ZV-1. Sony ZV-1 là khởi điểm của dòng ZV và là bước đầu của Sony đem đến một chiếc máy ảnh hướng đến thị trường quay vlog và sáng tạo nội dung. Dù vậy giữa hai máy vẫn có những điểm khác biệt.
Tham khảo các phiên bản máy ảnh Sony ZV-E10:
- Khó mà chọn ra người thắng cuộc ở đây khi mà sự khác biệt cơ bản giữa hai máy nằm ở chỗ: ZV-E10 là máy ảnh mirrorless còn ZV-1 là máy ảnh có ống kính cố định.
- Do ZV-E10 là máy mirrorless, nó tương thích với bất kỳ ống kính Sony E nào, đồng nghĩa phạm vi tiêu cự phong phú hơn. ZV-1 chỉ có ống zoom tương đương 24-70mm cố định.
- Cảm biến APS-C lớn hơn của ZV-E10 đạt chất lượng hình ảnh cao hơn cảm biến 1″ của ZV-1. Cảm biến APS-C lớn hơn khoảng 3 lần và góp phần làm mượt kết xuất màu hơn, giảm nhiễu hạt và cải thiện khả năng kiểm soát độ sâu trường ảnh.
- ZV-1 nhỏ hơn và nhẹ hơn thấy rõ. Kích thước của hai máy trong bảng trên có vẻ không quá chênh lệch, nhưng cần nhớ bạn sẽ cần lắp thêm ống kính cho ZV-E10 từ đó mới có kích thước cuối cùng của máy.
- Hai máy quay phim tương tự nhau, và đều có chống rung kỹ thuật số Active SteadyShot IS để ổn định phim. Tuy vậy, nhờ kích cỡ cảm biến lớn hơn của ZV-E10, chất lượng hình ảnh của máy cũng sẽ cao hơn một chút.
- AF về cơ bản là tương tự nhau; ZV-E10 trên lý thuyết có hơi nhỉnh hơn, nhưng trên thực tế hiệu suất AF giữa hai máy có vẻ giống nhau.
- Tuy là máy ảnh mirrorless so với compact, nhưng hai thân máy rất giống nhau. Cả hai đều có màn hình xoay lật, mic phía trên và tính công thái học cải tiến nhằm hướng đến nhu cầu quay vlog.
Để lựa chọn giữa hai chiếc máy ảnh này, còn tùy vào việc bạn muốn một chiếc máy ảnh mirrorless hay máy ảnh ngắm chụp nhỏ gọn. Yếu tố kế tiếp là chọn kích cỡ cảm biến. ZV-E10 có tính linh hoạt của dòng mirrorless, với khả năng chọn và lựa chọn ống kính cần thiết, cũng như có cảm biến lớn hơn cho chất lượng hình ảnh cao hơn. ZV-1 thì nhỏ hơn và là giải pháp làm vlog đa năng trong một khi bạn không cần tìm hiểu quá nhiều ống kính và chỉ muốn một thiết bị dễ dàng bỏ túi. Ngoài yếu tố ngoại hình và kích cỡ cảm biến thì hai chiếc máy này rất giống nhau về tính năng và thiết kế, và dĩ nhiên đều là những lựa chọn tuyệt vời để quay vlog.
Sony ZV-E10 vs Sony a6100
Mirrorless so với mirrorless — đây cũng là một so sánh thú vị bởi hai máy ảnh này vẫn khá là giống nhau, tuy nhiên ZV-E10 là máy ảnh chuyên dụng, trong khi A6100 là máy ảnh đa năng. Sony cho thấy ZV-E10 có một phần của A6100 và một phần của ZV-1, vậy thân máy mirrorless vlog này sẽ so sánh thế nào với thân máy mirrorless entry-level?
- Cả hai máy trang bị cảm biến giống nhau, do đó bất kỳ khác biệt nào về chất lượng hình ảnh và độ nhạy sáng sẽ đều là giả định.
- Hai máy quay phim như sau, tuy nhiên ZV-E10 có hỗ trợ S-Log3 cho khả năng kiểm soát color-grading tốt hơn trong khâu hậu kỳ.
- ZV-E10 có chống rung kỹ thuật số Active SteadyShot giúp ổn định phim trong lúc di chuyển. A6100 không có chống rung.
- A6100 có EVF để chụp ngắm tầm mắt. Trang bị này hấp dẫn nhiều nhiếp ảnh gia, nhất là những ai chụp trong điều kiện ánh sáng lớn.
- Màn hình LCD của A6100 chỉ có thể lật, trong khi ZV-E10 có màn hình LCD lật sang bên và xoay đa hướng phù hợp chụp selfie và chính diện.
- ZV-E10 trang bị cả cổng mic và headphone, kết hợp mic 3 đầu củ định hướng cải tiến tích hợp, có mút chụp lọc gió đi kèm, cũng như cổng kết nối đa năng Multi-Interface hỗ trợ giao diện âm thanh kỹ thuật số. Ngược lại, A6100 chỉ có một cổng mic 3.5mm. Chốt lại, ZV-E10 được trang bị tốt hơn để thu âm trong rõ hơn trong nhiều tình huống khác nhau.
- Về ngoại hình, ZV-E10 nhẹ và nhỏ hơn. Không phải là chênh lệch quá lớn so với A6100, nhưng khách quan mà nói, ZV-E10 có thân máy gọn hơn và nhẹ hơn 52g.
Sự khác biệt chủ yếu giữa hai máy ảnh này là EVF của A6100 so với màn hình xoay lật, giao diện âm thanh và tính năng vlog của ZV-E10. A6100 sẽ là lựa chọn tốt hơn cho người chuyên chụp ảnh; ZV-E10 là lựa chọn tốt hơn cho vlogger hay người chuyên làm việc với video. Cảm biến cả hai máy như nhau nên chất lượng hình ảnh cũng tương đương. Chọn giữa hai máy này chính là chọn giữa thể loại nhiếp ảnh bạn muốn theo, bạn thiên về vlog và cần bộ tính năng tối ưu cho việc làm video hơn, hay bạn cần một chiếc ống ngắm hơn.
Sony ZV-E10 vs Panasonic G100
Một trong những đối thủ rõ rệt nhất của ZV-E10 hẳn là Panasonic G100. G100 là phiên bản mirrorless siêu nhỏ gọn chuyên vlog của Panasonic, dựa trên những dòng mirrorless khác cùng nhà nhưng được tinh chỉnh cho ứng dụng chuyên biệt.
- Một trong những khác biệt chính giữa hai chiếc máy ảnh này là kích cỡ cảm biến. ZV-E10 có cảm biến APS-C, G100 có cảm biến Micro Four Thirds. Hai cảm biến này đều lớn hơn cảm biến 1″ hoặc smartphone, nhưng APS-C lớn hơn Micro Four Thirds và đạt chất lượng hình ảnh cao hơn một chút.
- Hiệu suất video trên hai máy là tương tự nhau; cả hai đều quay 4K và hỗ trợ log màu cho color-grading. Một điểm khác nhỏ là sự bổ sung tốc độ khung hình 120ptrên ZV-E10 ở chế độ FHD, phù hợp quay slow-motion.
- ZV-E10 có dải ISO rộng hơn có vẻ nhờ cảm biến lớn hơn, chủ yếu thấy rõ khi chụp low-light, đồng thời linh hoạt hơn khi quay phim.
- Hai máy đều có ổn định hình ảnh điện tử tinh chỉnh xóc máy khi vừa đi vừa quay.
- Hệ thống AF nhận diện pha của Sony xử lý nhanh hơn, nhạy hơn so với AF nhận diện tương phản của G100. Tuy nhiên, cả hai máy này đều có nhận diện mắt/mặt và theo dõi chủ thể cải tiến, do đó khác biệt thực tế giữa hai máy là rất ít khi sử dụng cho ứng dụng vlog.
- G100 có ống ngắm điện tử, ZV-E10 không có. Đặc biệt đối với nhiếp ảnh gia thì có ống ngắm sẽ là một ưu điểm thực sự khi chụp dưới trời sáng.
- Cả hai máy có giao diện âm thanh tăng cường, tuy nhiên ngàm Multi-Interface của Sony cung cấp độ tương thích rộng rãi hơn với một số mic ngoài của các hãng khác. Bên cạnh đó, G100 không có cổng headphone.
- Tương đồng về kích thước và trọng lượng, G100 chỉ hơi cao hơn do có ống ngắm điện tử. Dù vậy ZV-E10 lại nhỏ gọn hơn dù có cỡ cảm biến lớn hơn.
Để chọn giữa hai máy ảnh mirrorless tối ưu quay vlog thì sẽ tùy vào độ yêu thích cá nhân cho mỗi hệ máy và tình trạng đầu tư vào ống kính ngàm E hay Micro Four Thirds của người chọn. ZV-E10 có nhiều ưu điểm hơn về cỡ cảm ứng, chất lượng hình ảnh, hiệu suất AF; G100 hấp dẫn nhiếp ảnh gia hơn do có ống ngắm. Về ứng dụng vlog, hai máy thể hiện tương đồng trong hầu hết các tình huống nên việc chọn máy nào sẽ tùy vào sở thích cá nhân đối với hãng và hệ ống kính của người chọn.
Sony ZV-E10 vs Canon EOS M50 Mark II
So sánh này là một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai thân máy APS-C linh hoạt. Tương tự ở trên, phần lớn sẽ tùy vào sở thích cá nhân của người chọn đối với dòng máy, cũng như kỳ vọng của bạn khi sử dụng máy ngoài trởi trong những tình huống quay vlog nhất định.
- Kích cỡ cảm biến và độ phân giải về cơ bản là tương tự nhau, hiệu suất nhạy sáng cũng gần giống nhau. Chất lượng hình ảnh hai máy khá giống nhau, do vậy lựa chọn là chủ quan, tùy bạn thích Sony hay Canon.
- Ngàm Sony E có nhiều lựa chọn ống kính native hơn so với ngàm Canon EF-M còn nhiều hạn chế.
- ZV-E10 có thông số quay phim trên lý thuyết chất lượng hơn, với tốc độ khung hình 4K cao nhất là 30p, tốc độ khung hình FHD là 120p, log màu để color-grading hậu kỳ tốt hơn.
- Hai máy đều trang bị ổn định hình ảnh điện tử có thiết lập riêng để chống rung phim khi vừa đi vừa chụp.
- M50 II có ống ngắm điện tử, đây sẽ là yếu tố quyết định đối với người chuyên chụp ảnh.
- Hai máy đều có màn hình cảm ứng LCD xoay lật, hoàn hảo dùng chụp chính diện.
- Sony thực sự tập trung vào khả năng thu âm mạnh với việc bổ sung cả cổng mic và headphone, nâng cấp mic tích hợp và có cả giao diện âm thanh kỹ thuật số. Nếu thu âm có sẵn quan trọng hơn với bạn thì ZV-E10 là kẻ thắng cuộc ở đây.
- M50 II lớn hơn thấy rõ (cao hơn và dày hơn), đổi lại có báng cầm rõ hơn và có sẵn ống ngắm. ZV-E10 nhỏ gọn hơn, dễ bỏ túi và di động hơn.
Thật khó chọn giữa hai máy này; lựa chọn còn tùy vào độ linh hoạt bạn muốn ở chiếc máy và nhu cầu chuyên vlog của bạn. ZV-E10 là máy vlog, M50 II đa năng hơn với bộ tính năng vlog mạnh. M50 II có sẵn ống ngắm, còn ZV-E10 hỗ trợ âm thanh mạnh hơn, có thông số video đẹp hơn và thiết kế gọn hơn. Ngoài các khác biệt này thì bạn sẽ cần chọn dựa trên hệ ống kính và độ yêu thích cá nhân cho hãng này hoặc hàng còn lại.
Sony ZV-E10 vs FUJIFILM X-S10
Đây là so sánh độc đáo; FUJIFILM X-S10 là chiếc máy ảnh FUJIFILM gần nhất với máy vlog đồng thời có thiết kế hoài cổ cực đẹp và các hiệu ứng hình ảnh riêng biệt. X-S10 rõ ràng hướng đến nhiếp ảnh gia cũng như nhà sáng tạo video, trái ngược định hướng của ZV-E10 vào vlog, di chuyển và thu âm.
- Đầu tiên về cảm biến, cần xét đến thiết kế X-Trans CMOS độc đáo của FUJIFILM. So sánh với Sony sử dụng lưới Bayer truyền thống thì lưới X-Trans kết xuất màu riêng biệt hơn, nhiễu hạt thấp, không moiré. Tuy nhiên cảm biến của Sony đã được chứng nhận là cũng đáp ứng được hết các tiêu chí này. Không đến mức phải so sánh, nhưng nên hiểu về sự khác biệt của hai thiết kế cảm biến.
- Ngàm Sony E phổ biến hơn về chất lượng ống kính và tùy chọn hãng thứ ba so với ngàm FUJIFILM X, tuy nhiên ngàm X nói riêng và ống kính FUJIFILM nói chung vẫn đang được đánh giá rất cao và cải tiến đáng kể nhất là trong những năm gần đây.
- FUJIFILM nhỉnh hơn một chút về thông số video với hỗ trợ định dạng quay DCI có độ phân giải cao hơn và FHD quay đến 240p. X-S10 không có hỗ trợ log màu tương tự ZV-E10 nhưng lại có đầu ra 4:2:2 10-bit sang thiết bị quay phim mở rộng.
- Tuy máy FUJIFILM thể hiện video mạnh hơn nhưng máy Sony bù lại ghi điểm ở khả năng thu âm. X-S10 chỉ có một cổng mic 3.5mm, trong khi ZV-E10 có cả cổng mic và headphone, hỗ trợ âm thanh kỹ thuật số qua ngàm đa năng Multi-Interface và tích hợp sẵn mic 3 đầu củ định hướng.
- ZV-E10 cũng có nhiều tính năng và chế độ chuyên dụng quay vlog hơn, nổi bật nhất là nút xóa phông Background Defocus và thiết lập lấy nét sản phẩm Product Showcase.
- X-S10 nhỉnh hơn về chống rung nhờ trang bị cơ chế sensor-shift 5 trục kiểm soát xóc máy tốt hơn cho cả chụp ảnh và quay phim.
- X-S10 lại là một chiếc máy ảnh nữa có sẵn ống ngắm phù hợp hơn với người thiên về chụp ảnh.
- ZV-E10 không có ống ngắm, đổi lại có thân máy nhỏ và nhẹ hơn thuận tiện di chuyển.
- Hai máy đều có màn hình cảm ứng LCD xoay lật hoàn hảo để quay phim chính diện.
Tuy hai chiếc máy này có nhiều khác biệt hơn là điểm giống nhau, nhưng vẫn không dễ để chọn lựa giữa chúng. Nếu bạn định chụp nhiều hơn, nên chọn FUJIFILM X-S10 nhờ có sẵn EVF, chống rung sensor-shift — và cảm biến ảnh độc đáo X-Trans CMOS sẽ là điểm sáng xét về chất lượng ảnh tĩnh. Nếu bạn chủ yếu muốn quay video, X-S10 một lần nữa đáng cân nhắc hơn do trong bộ thông số có hỗ trợ quay 4K DCI và tốc độ khung hình quay slow-motion Full HD cao hơn. Tuy nhiên vlog là hướng đi chính của bạn thì Sony ZV-E10 sẽ vẫn là lựa chọn an toàn nhất, nhờ kích cỡ nhỏ gọn, có sẵn nhiều tính năng và chế độ chuyên dụng cho nhu cầu quay vlog và giao diện âm thanh xuất sắc là một điểm cộng tuyệt vời đáp ứng nhu cầu sản xuất độc lập một người. So sánh này thực sự là một bài toán mà ở đây, mọi quyết định của bạn phụ thuộc vào tính năng nào quan trọng hơn đối với thể loại công việc hình ảnh mà bạn muốn theo đuổi.
Theo BHphotovideo