Home > Ống Kính - Lens > Trên tay ống kính mới Sigma 20mm F1.4 và 24mm F1.4 DG DN
Ống Kính - LensTin TứcTin Tức Máy ẢnhĐánh giáĐánh Giá Máy Ảnh

Trên tay ống kính mới Sigma 20mm F1.4 và 24mm F1.4 DG DN

SIGMAART_AFMFSWITCH

Sigma ra mắt 2 ống kính góc rộng mới cho các dòng máy ảnh ngàm Sony E và ngàm L: 20mm F1.4 DG DN Art24mm F1.4 DG DN Art. Theo dõi trải nghiệm trên tay bộ đôi ống kính này trong bài viết dưới đây tới từ đội ngũ DPReview, để xem chúng có những trang bị gì và điểm nào khiến chúng khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh khác.

SIGMA24mm_ONCAMERA

Bộ đôi ống kính mới của Sigma phù hợp với ai và chụp gì?

Bộ đôi ống kính này là một phần của dòng ống kính Art DN của Sigma, bên cạnh các ống trước đó gồm 35mm F1.2 DG DN, 35mm F1.4 DG DN, 85mm F1.4 DG DN và 105mm F2.8 DG DN Macro. Đây đều là các ống kính chất lượng cao nhất của Sigma (xét về mặt quang học), với 2 ống kính mới nhất cung cấp tiêu cự rộng nhất trong số chúng hiện nay. Bộ đôi 20mm/24mm đồng thời mở rộng hệ ống kính F1.4 trong dòng Art mà theo Sigma là một dạng nhánh con của dòng Art.

SIGMA24mm_HOODFILTER

Về ống kính 20mm F1.4, rõ ràng Sigma đã tạo ra ống kính này cho giới astrophotographer. Tuy dĩ nhiên có thể dùng chụp các thể loại nhiếp ảnh khác nữa, nhưng trang bị của nó rõ là hướng về các tay chụp thiên văn, và ngay cả trong thông tin quảng cáo của Sigma cho ống kính này cũng chủ yếu lấy minh họa trong trường hợp chụp astrophotography.

Đổi lại, chiếc 24mm F1.4 lại linh hoạt hơn khi có thể dễ dàng đồng hành trong túi đồ nghề của bất kỳ nhiếp ảnh gia chụp ảnh tĩnh hay cinematographer nào. Trên máy ảnh full frame, ống kính cung cấp góc nhìn rộng tuyệt vời để làm vlog, chụp phong cảnh, kiến trúc và thiên văn. Còn với cảm biến ảnh crop, ống kính cung cấp tiêu tự tương đương 35mm thích hợp với mọi thứ từ chân dung tới đường phố.

Nút bấm và cần gạt

SIGMAART_MFLLOCK

Bộ đôi ống kính mới của Sigma rất giống nhau khi xét về giao diện. Chúng đều có cần gạt AF/MF, cần gạt mới Manual Focus Lock (MFL), cần gạt (de)click và cần gạt khóa khẩu độ.

Như mọi khi, cần gạt AF/MF kiểm soát khi nào bạn chụp với AF hay MF, cần (de)click cho phép điều khiển khẩu có tiếng hoặc không theo mỗi nấc 1/3EV, còn gạt khóa khẩu giúp vòng chỉnh khẩu độ không bị xoay ngoài ý muốn tới ‘Auto’ trong lúc điều chỉnh.

Nút Autofocus Lock (AFL) giúp khóa AF cố định và cũng có thể tùy chỉnh để điều khiển các chức năng khác khi người chụp cần.

Manual Focus Lock

SIGMAART_AFMFSWITCH

Cơ chế focus-by-wire (lấy nét bằng mạch điện) dần trở thành cơ chế lấy nét tiêu chuẩn trong các thiết kế ống kính hiện đại. Mặc dù focus-by-wire có những ưu điểm nhất định nhưng nó cũng có một số nhược điểm khi so sánh với cơ chế direct-drive. Đáng chú ý nhất là những ống kính này có xu hướng reset tiêu cự khi máy ảnh ở chế độ tiết kiệm pin hoặc khi tắt máy. Để giải quyết vấn đề này, Sigma đã bổ sung cần gạt mới Manual Focus Lock (MFL).

Cần gạt này sẽ vô hiệu hóa vòng lấy nét hoàn toàn, khóa tiêu cự ngay tại vị trí hiện dụng của nó. Trong trường hợp nhiếp ảnh thiên văn, điều này đồng nghĩa bạn có thể lấy nét vào các ngôi sao, gạt cần MFL và không còn phải lo lắng liệu máy ảnh có vô tình không hoạt động hay khi bạn di chuyển sang địa điểm khác và tắt máy. Ngay khi bạn bật máy ảnh lên, ống kính sẽ vẫn lấy nét vào đúng vị trí cuối cùng mà bạn cài, bất kể vòng lấy nét có bị xoay ngoài ý muốn hay không.

Lens Heater Retainer

SIGMA20mm_HOODFILTER

Lens heater hiếm dùng ngoài thể loại astrophotography, nhưng với những ai cần, chúng rất quan trọng. Phụ kiện loại này sẽ dùng bọc quanh thân ống kính và giữ cho ống kính không bị lạnh hơn so với không khí xung quanh bởi nếu ống kính bị lạnh hơn sẽ dễ xảy ra hiện tượng ngưng tụ, ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.

Trang bị mới Lens Heater Retainer của Sigma chỉ có trên ống kính 20mm F1.4, là nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu của astrophotographer – đây là một gờ nhô nhẹ ở phía đầu ngoài của thân ống kính, được thiết kế đặc biệt để giữ cho lens heater cố định, để chúng không bị trượt xuống ống kính và gây cản trở tầm ngắm trong quá trình chụp time lapse đêm. Tuy chỉ là một thay đổi rất nhỏ nhưng nó đủ cho thấy kỳ vọng biến 20mm F1.4 thành ống kính chụp thiên văn của Sigma lớn cỡ nào.

Khay đựng kính lọc phía sau

Cả 2 ống kính đều có khay đựng kính lọc phía sau. Tuy không thường gặp ở ống kính góc rộng, nhưng thú vị là cả 2 ống kính này có thể lắp được kính lọc ở cả sau lẫn trước, với phía trước có ren kính lọc riêng.

Sigma_Rear_Filter_Holder_01

Sử dụng tấm mẫu kèm với các ống kính, người dùng có thể cắt các bộ lọc gel khác nhau để cài vào phần rãnh lõm nhẹ bên dưới các điểm tiếp xúc điện tử của ống kính. Rãnh lõm bên dưới lúc này sẽ trượt xuống dưới một công tắc nhỏ, bạn có thể dùng trượt qua để khóa kính lọc vào vị trí.

Ảnh minh họa bên trên cho thấy giấy nến phủ trên ngàm sau của ống kính, cũng như mặt bên cho thấy một khoảng trống nhỏ xung quanh toàn bộ mặt sau của ống kính nơi miếng gel sẽ được đặt vào.

Bộ đôi này là các ống kính đầu tiên cung cấp cả khay đựng kính lọc phía trước và sau. Thường thì các hãng sản xuất sẽ phụ thuộc vào khay phía sau hơn khi mà mặt kính ngoài cùng phía trước sẽ thường lồi ra ngoài, còn trong trường hợp của Sigma 20mm và 24mm F1.4 thì bạn có thể dùng gấp đôi kính lọc mà không cần thêm bất kỳ phụ kiện trợ lắp nào.

Thiết kế quang học của ống kính 20mm F1.4 DG DN

SIGMA20mm_INHAND

Sigma 20mm F1.4 DG DN cấu tạo từ 17 thấu kính chia thành 15 nhóm, gồm 2 Super-Low Dispersion (SLD) và 3 phi cầu. Trong 3 thấu kính phi cầu này có 2 thấu kính phi cầu 2 mặt mà theo Sigma là giúp kiểm soát quang sai coma trên toàn khung hình cho ảnh sắc nét toàn diện.

Trong thực tế, các thấu kính này vận hành như quảng cáo, mang lại hình ảnh sắc nét từ tâm ra rìa hình với coma rất thấp, kể cả ở các khẩu rộng hơn.

Thiết kế quang học của ống kính 24mm F1.4 DG DN

SIGMA24mm_Profile

Sigma 24mm F1.4 DG DN cấu tạo từ 17 thấu kính chia thành 14 nhóm, gồm 2 ‘F’ Low-Dispersion (FLD), 1 Super-Low-Dispersion (SLD) và 4 phi cầu.

Sigma cho biết cấu trúc gồm các thấu kính chuyên biệt này của hãng được thiết kế để giảm thiểu các hiện tượng quang sai quang học, tuy nhiên trên thực tế, coma trên ống 24mm không được kiểm soát tốt bằng trên ống 20mm F1.4. Mặc dù vậy, khi khép khẩu từ F2.8 trở đi, ống kính đạt được độ sắc nét cao trên toàn khung hình mà không bị tối viền. Sun star đẹp mắt khi khép khẩu, nhưng ống kính cũng bị lóa cầu vồng một chút khi chụp ở một số góc độ nhất định.

Cạnh tranh

SIGMA20mm_PROFILE

Hai ống kính mới của Sigma cung cấp các tính năng và thông số kỹ thuật ấn tượng thật, nhưng liệu chúng có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác? Hóa ra đây lại là một câu hỏi khó. Tuy Sigma cũng có các phiên bản ‘không phải DN’ tương tự 2 ống kính mới, nhưng các ống kính đó lại to hơn và cũng không được thiết kế riêng để tận dụng khoảng cách buồng tối ngắn của máy ảnh mirrorless.

Sony lại có ống 20mm F1.8 G và 24mm F1.4 G của riêng họ, chúng đều cung cấp được chất lượng hình ảnh ấn tượng, nhưng ống 20mm F1.8 của Sony lại chậm hơn 2/3EV dù ở cùng tầm giá, trong khi chiếc Sony 24mm F1.4 thì đắt hơn $500 so với phiên bản cùng tiêu cự của Sigma, dĩ nhiên cũng có bù trừ với chất lượng.

Cạnh tranh ngàm L (ngoài các ống kính Sigma HSM) thì hiện vẫn chưa thực sự có đối thủ.

SIGMAART_HOODLOCK

Kết

Tựu chung, 2 ống kính góc rộng này của Sigma đã bổ sung thêm những lựa chọn hấp dẫn cho người dùng máy ảnh ngàm L và ngàm Sony E. Tiêu cự có vẻ giống nhau, nhưng rõ ràng ống kính 20mm F1.4 được tạo ra cho một phân khúc thị trường cụ thể: astrophotographer. Trong khi đó ống kính 24mm F.14 lại là tùy chọn đa năng hơn.

Ống 24mm F1.4 sẽ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khá căng thẳng trong thị trường ngàm E, tuy nhiên giá bán sẽ là yếu tố giúp nó đáng cân nhắc, nhờ việc có những cung cấp nhằm đáp ứng hiệu năng xuất sắc trong mức giá rẻ hơn gần $500 so với ống 24mm F1.4 GM của Sony.

Sigma 20mm F1.4 và 24mm F1.4 sẽ chính thức được phân phối vào cuối tháng 8 với giá bán lần lượt $899 và $799.

Nguồn: DPReview