Canon EOS R10 là máy ảnh APS-C dành cho người dùng mới đầu tiên trong hệ EOS R, còn Canon EOS RP là máy ảnh giá rẻ nhất trong phân khúc EOS R full frame. Chúng đều thuộc hệ ngàm RF, cho phép sử dụng cùng hệ ống kính và đang ở tầm giá ngang ngửa nhau.
Tuy nhiên khoảng cách thế hệ đồng nghĩa 1 trong 2 chiếc máy này có hiệu suất hiện đại hơn so với chiếc còn lại. Cùng xem Canon R10 và RP so sánh với nhau như thế nào trong bài viết sau.
Điểm chung giữa Canon EOS R10 và EOS RP
- Ngàm RF
- Không có sẵn cơ chế chống rung
- Màn hình LCD xoay lật với độ phân giải 1.04M điểm và cơ chế cảm ứng
- 1 khay đọc thẻ SD UHS-II đặt trong khay pin
- Kết nối Wifi, Bluetooth
10 điểm khác nhau giữa Canon EOS R10 và EOS RP
Nội dung
1. Cảm biến ảnh
2 chiếc máy này dùng loại cảm biến ảnh khác nhau, cả về kích cỡ và độ phân giải.
R10 dùng cảm biến APS-C 24.2MP, còn RP dùng cảm biến full frame 26.2MP.
Ảnh dưới minh họa sự khác biệt giữa kích thước của 2 loại cảm biến ảnh này. Tỉ lệ crop hình trên R10 so với RP là 1.6x.
Cảm biến ảnh trong R10 là phiên bản mới nhất của các chip trước từng thấy trên các đàn anh như M50 Mark II. Cụ thể hơn thì kính micro trên bề mặt cũng như các thiết bị điện tử đã được cải tiến để nâng cao chất lượng và hiệu năng của chip. R10 còn dùng chip xử lý hình ảnh mới nhất là chip Digic X.
RP dùng cảm biến ảnh cũ (tương tự trên máy DSLR 6D Mark II ra mắt 2017). Mặc dù hiệu năng ở mức ISO cao khá ổn nhưng dải tần động lại không xuất sắc theo chuẩn mực hiện nay. Chip xử lý hình ảnh cũng là đời cũ, loại Digic 8. Vậy nên dễ hiểu nếu tốc độ không phải là thế mạnh của RP.
Về độ nhạy sáng, RP có ưu điểm hơn một chút, ít nhất là trên lý thuyết.
2. Lấy nét tự động
R10 trang bị phiên bản II của công nghệ lấy nét Dual Pixel CMOS AF của Canon, sử dụng các thuật toán được kế thừa trực tiếp từ máy flagship R3. Máy ảnh R10 có thể theo dõi chủ thể gồm người, động vật và xe, lấy nét tự động lên thân, đầu và mắt hoặc mũ bảo hiểm trong trường hợp xe mô tô và xe đua mui trần.
RP trang bị phiên bản cũ hơn của hệ thống AF của Canon, vẫn chụp nhận diện mặt và mắt người hoặc theo dõi chủ thể trong sự kiện thể thao tốt, nhưng thiếu phần mềm tiên tiến nhất và không thể nhận diện động vật hay xe đua.
Số điểm hiệu dụng cũng hơi khác. Ở chế độ AF 1 điểm, bạn có thể di chuyển 4,503 vị trí lấy nét khác nhau trên R10, còn trên RP con số này là 4,779.
Về độ nhạy sáng thấp nhất trong điều kiện thiếu sáng, RP có ưu điểm hơn:
- R10: -4Ev (với ống kính F1.2)
- RP: -5Ev (với ống kính F1.2)
3. Tốc độ chụp
R10 có thể chụp liên tiếp đến 15fps bằng màn trập cơ hoặc 23fps bằng màn trập điện. Máy có thể thêm chế độ đặc biệt gọi là Pre-Shooting, cho phép lưu ảnh trước khi bạn nhấn hẳn nút trập xuống. Trang bị này rất hữu dụng khi chụp hành động khó phỏng đoán, ví dụ như chụp chim bay khỏi cây.
RP chỉ chụp liên tiếp đến 5fps, nếu ưu tiên lấy nét, tốc độ còn giảm xuống 4fps.
Trên thực tế, chụp với ống ngắm trên RP khá giật (kể cả trước và sau chuỗi chụp liên tiếp) khiến người dùng khó chụp các chuyển động nhanh, mang tính quyết định. R10 có vẻ tiềm năng hơn khi mà các máy ảnh Canon gần đây đều được cải thiện khá đáng kể về độ giật, đơn cử R6.
Về bộ đệm, sự khác biệt về tốc độ chụp liên tiếp gần như khiến mục so sánh này khó thực hiện, nhưng RP vẫn có 1 ưu điểm trong trải nghiệm thực tế đó là máy không bao giờ bị giảm tốc kể cả khi chụp Raw hay JPG.
4. Quay phim
R10 có thể quay video 4K đến 30p không crop, lấy dư mẫu từ vùng 6K để đảm bảo tối đa chất lượng. Tuy nhiên nếu muốn quay 4K 60p, R10 sẽ crop trường nhìn đi khoảng 1.6x.
RP có thể quay 4K đến 25p, nhưng cảm biến lại crop gần 1.8x, thậm chí cao hơn mức crop trên R10.
Bảng dưới minh họa trường nhìn khi quay trên ống kính 35mm theo định dạng của cảm biến ảnh và thiết lập dùng trên mỗi máy ảnh.
Ở dạng Full HD, 2 máy quay không crop. RP có thể quay đến 60p, R10 quay đến 120p ở chế độ tốc độ cao.
1 điểm quan trọng cần lưu ý về EOS RP đó là ở 4K, AF hoạt động với cơ chế nhận dạng tương pha thay vì nhận diện pha (Dual Pixel CMOS AF). Điều này đồng nghĩa hiệu năng sẽ chậm hơn nhiều và ít đáng tin cậy hơn, cho đến khi bạn chuyển sang dạng Full HD.
Về bit depth và bit rate, R10 dẫn trước với khả năng ghi được nhiều dữ liệu/giây hơn cũng như có thêm tùy chọn quay trong máy 4:2:2 10bit sử dụng hồ sơ HDR PQ.
R10 có giới hạn quay 30 phút/clip. Theo Canon, R10 có thể quay 4K 30p (HQ) trong khoảng 50 phút (nhiệt từ 23˚C trở xuống). Trên thực tế máy có thể quay được hơn thế một chút, nhưng vì giới hạn của pin nên R10 hiếm khi quay được trên 60 phút.
Cuối cùng là 2 máy đều có cổng ra headphone và cổng vào microphone. Trên R10 có ngàm phụ kiện đa năng mới cho phép ghi âm số với các dòng mic tương thích.
5. Ống ngắm
Ống ngắm điện trên 2 máy ban đầu trông khá giống nhau, nhưng chúng cũng có những khác biệt cơ bản.
2 ống ngắm đều sử dụng tấm nền OLED tương tự nhau, nhưng R10 có tốc độ làm tươi nhanh hơn, trong khi RP cung cấp độ phóng đại lớn hơn.
6. Thiết kế
RP to hơn R10 nhưng trọng lượng 2 máy lại khá tương tự nhau. Bộ đôi này có kháng thời tiết nhưng không tiên tiến bằng dòng máy cao cấp.
- R10: 122.5 x 87.8 x 83.4mm, 429g
- RP: 132.5 x 85 x 70mm, 485g
Bộ điều khiển nhìn chung giống nhau, với 2 nút xoay ở mặt trên điều khiển phơi sáng, số nút phía sau máy cũng giống nhau.
R10 có nút gạt AF/MF phụ phía trước (với 1 nút ở chính giữa để điều khiển AF Zone) và AF Joystick phía sau, trong khi RP không có.
7. Pin
2 máy dùng cùng loại pin LP-E17 nhưng có sức chứa khác nhau.
R10 có thể chụp 430 ảnh dùng màn hình hoặc 260 ảnh dùng ống ngắm.
RP có thể chụp khoảng 250 ảnh dùng màn hình hoặc 210 ảnh dùng ống ngắm.
Các số chuẩn CIPA này đều có thể dao động trong thực tế, thường bạn có thể chụp được nhiều hơn.
8. Các tính năng khác
R10 và RP không có nhiều tính năng hào nhoáng, nhưng vẫn có một số trang bị đáng chú ý.
Đầu tiên là màn trập điện (silent mode) trên RP chỉ dùng được ở chế độ Scene, không thể bật ở chế độ phơi sáng tay hoặc bán tự động. Điểm khác biệt với R10 là máy ảnh sẽ tận dụng màn trập điện cho nhiều thứ khác: tăng tốc điều khiển đến 23fps và mở rộng tốc độ màn trập đến 1/16000s (cả 2 máy đạt tốc cao nhất 1/4000s với màn cơ).
1 trong các thiết lập được ưa chuộng trên máy ảnh Canon là Focus Guide, chế độ hỗ trợ lấy nét tay này sử dụng công nghệ Dual Pixel CMOS AF và cung cấp độ chính xác cao ấn tượng. R10 có tính năng này nhưng đáng tiếc là RP không có.
2 máy đều có focus bracketing, nhưng chỉ R10 có tùy chọn focus stacking in-camera. Với RP, bạn sẽ ghép ảnh bằng phần mềm Canon EOS Digital Photo Professional hoặc nhờ ứng dụng thứ 3.
9. Ống kính
Như đề cập ở trên, bạn có thể dùng ống kính RF trên cả R10 và RP, nhưng có một số điều cần lưu ý.
Đầu tiên là hệ EOS R ra mắt hồi 2018, nhưng mãi đến 2022 Canon mới ra mắt 2 máy ảnh APS-C đầu tiên (R10 và R7). Các máy trước đó kể cả RP đều là loại full frame, nên cũng dễ hiểu các ống kính trước đó đều là full frame.
Trong phân khúc full frame, có nhiều ống kính giá phải chăng nhưng cũng nhiều ống giá cao, đây là điểm quan trọng bởi không nhiều người dùng tiềm năng mua R10 lại muốn bỏ thêm gấp 3 cho ống tele hoặc ống chân dung khẩu nhanh. Hỗ trợ ngàm RF từ hãng thứ 3 (nhất là Sigma và Tamron) lại hiện chưa có, khiến lựa chọn ống kính càng thêm hạn chế, từ khi nối ống EF-S DSLR.
Một điểm khác là crop 1.6x, có lợi khi R10 chụp với ống tele (tăng tầm với), nhưng lại giới hạn với các tiêu cự ngắn (không đủ rộng).
Bên cạnh R10, Canon ra mắt 2 ống kính RF APS-C là RF-S 18-45mm F4.5-6.3 IS STM và RF-S 18-150mm F3.5-6.3 IS STM. Hy vọng sẽ rất nhanh có thêm nhiều ống RF-S nguyên bản trong tương lai.
10. Giá bán
R10 ra mắt với giá khởi điểm là $980 đối với thân máy lẻ, hoặc kèm kit mới 18-45mm (tương đương 29-72mm) với giá $1100 hoặc 18-150mm (tương đương 29-240mm) với giá $1380.
RP có giá thân máy lẻ khoảng $1000 và kèm kit 24-105mm F4-7.1 với giá $1300.
Giá cập nhật tháng 5/2022. Giá bán có thể dao động tùy khu vực và tùy tình trạng khuyến mãi của các nhà bán lẻ.
Kết luận
Sự tương đồng trong tầm giá là điểm khiến nhiều người băn khoăn không biết chọn Canon EOS R10 hay EOS RP. Nếu cân nhắc cả kit, R10 kèm sẵn ống kính mới 18-45mm vẫn là lựa chọn rẻ hơn.
Ngoài giá thì 2 máy không quá khác nhau. Trước hết RP ra mắt vào thời điểm Canon vẫn chưa bắt kịp các đối thủ khác trong phân khúc mirrorless. Máy dùng cảm biến và chip xử lý hình ảnh cũ, chậm chạp hơn không chỉ về tốc độ chụp liên tiếp, ống ngắm thì giật trễ. Đáng tiếc, bởi AF của máy không tệ, chụp tốt thể thao và chân dung. Về video, máy có thể quay 4K nhưng rất hạn chế, trừ khi quay ở Full HD. Nếu bạn chấp nhận hết các điểm này thì RP chắc chắn là chiếc máy full frame ổn áp với tầm giá nếu bạn muốn gia nhập hoặc ở lại hệ máy Canon RF.
R10 hiện đại hơn, sở hữu các công nghệ mới nhất mà Canon có thể cung cấp, đồng nghĩa tốc độ chụp liên tiếp nhanh hơn, hệ thống AF tiên tiến hơn và tính năng video xuất sắc hơn. R10 cũng nhỏ gọn hơn, nên nếu bạn không ngại cảm biến ảnh APS-C nhỏ (nhưng hiệu suất lại tốt, ổn định hơn), thì R10 vẫn là một chiếc máy tuyệt vời để bạn bắt đầu chụp ảnh. Dẫu vậy, bạn sẽ cần lưu ý là dòng này hiện chưa có nhiều lựa chọn ống kính giá rẻ, nhất là ống prime nhanh. Hy vọng Canon sẽ sớm cập nhật thêm nhiều ống kính nguyên bản giá tốt để đáp ứng các máy ảnh mới.
Theo mirrorlesscomparison