Đối với người mới đến với nhiếp ảnh, việc xác định thể loại nhiếp ảnh ưa thích để đi đến quyết định mua máy và ống kính phù hợp đã khó. Sau khi mua máy ảnh, để tiến xa hơn với thể loại nhiếp ảnh mình ưa thích cần phải có những phụ kiện hỗ trợ. Và việc tìm hiểu mua phụ kiện cho đúng càng khó hơn. Sau đây là 5 phụ kiện nên sắm cho những người đam mê nhiếp ảnh phong cảnh.
Nội dung
1. Túi – ba lô máy ảnh
Hiển nhiên đây là phụ kiện phải sắm ngay sau khi mua máy ảnh, để bảo quản máy cũng như di chuyển với máy dễ dàng hơn. Hiện nay các hãng máy ảnh hay sử dụng chương trình tặng kèm túi để tăng sức bán và nó cũng đáp ứng nhu cầu thiết thực là có túi xách máy đi chụp ngay. Tuy nhiên túi tặng thường có kích thước nhỏ bởi có thể tiết kiệm chi phí cho hãng khi gia công tại các cơ sở nhỏ và dễ giảm giá thành để tặng, chưa kể các tiêu chuẩn cần thiết cho một túi máy ảnh khá là xa vời.
Đối với việc chụp phong cảnh, đi xa vài ngày, mang nhiều vật dụng và phải leo trèo đến các nơi cao để có cảnh đẹp thì những chiếc túi xách thời trang nhỏ gọn tuyệt đối không phải là lựa chọn. Một túi hay ba lô với ngăn chứa riêng cho máy ảnh, ống kính, chân máy và các vật dụng cá nhân khác trong khi vẫn rảnh hai tay để có thể leo trèo dễ dàng là lựa hợp lý nhất.
2. Chân máy
Chụp ảnh phong cảnh không thể thiếu chân máy. Ngoài việc phải có chân máy để phơi sáng lâu cho những khung giờ bình minh, hoàng hôn hay ban đêm, chân máy ảnh còn để ổn định máy cho ra những bức hình sắc nét hay phơi sáng lâu với kính lọc cho ra các hiệu ứng hình ảnh khác nhau.
Chân máy ngày nay quá đa dạng về chủng loại và công dụng. Nhưng nếu dành cho các chuyến đi xa, đi bộ nhiều và đỡ phải mang vác nặng, chân máy ảnh nên chọn loại có kích thước vừa phải, có vật liệu nhẹ như nhôm cứng hoặc carbon. Và nên chọn các chân máy 3 chân (tripod) có thiết kế thông minh, có thể thu xếp nhỏ gọn và đeo trên balo sau tiện lợi. Đối với nhiếp ảnh phong cảnh, chân máy một chân (monopod) không hữu dụng.
Với nhiếp ảnh phong cảnh, vì phải sử dụng ống kính góc rộng và đeo các bộ kính lọc nên chân máy phải có tải trọng phù hợp chứ không nhắm hoàn toàn vào kính thước. Bên cạnh đó, ngoài tripod truyền thống, bạn có thể chọn loại tripod bạch tuộc với trọng lượng cực nhẹ cũng như linh hoạt trong sử dụng. Tuy nhiên, với tripod bạch tuộc phải chọn loại cực tốt để có thể dùng lâu dài. Và còn một trở ngại nhỏ là nếu tripod bạch tuộc không có cây hay vật gì để bám vào, thì chiều cao của nó sẽ không bằng tripod 3 chân truyền thống.
3. Kính lọc
Những bức ảnh mây trời nổi khối tuyệt đẹp, những dòng thác dữ dội trở thành dải lụa mềm mại đều có hiệu ứng từ kính lọc. Kính lọc rất cần thiết để nâng tầm cho ảnh phong cảnh.
Có thể nghĩ ngay đến các loại kính chống tia UV vừa có thể làm hình tăng độ tương phản, vừa bảo vệ thấu kính ngoài cùng của ống kính. Kế đó, thông dụng không kém là kính lọc phân cực (polarizer) nhằm bẻ góc các tia sáng ngoài ý muốn cho hình ảnh nổi khối hơn. Sau đó, tuỳ theo công dụng và hiệu ứng mong muốn mà ta có thể nghiên cứu thêm các loại kính khác và mua sau.
4. Dây bấm mềm (điều khiển từ xa)
Ngay từ những ngày đầu của nhiếp ảnh, dây bấm mềm đã xuất hiện như nút chụp cho một số loại máy. Và công dụng hiện nay của dây bấm mềm là để giảm rung động trên máy khi chụp ảnh phơi sáng lâu cũng như hiệu chỉnh thời gian phơi sáng như ý muốn (hầu hết các máy hiện nay cho phép phơi sáng lâu ở 30 giây, khi chuyển qua chế độ Bulb đều phải dùng dây bấm mềm).
Những cảnh bầu trời đầy sao (milky way), thác nước mềm mại hay cả những đoạn time-lapse đều có thể thực hiện với dây bấm mềm. Hiện nay, các dây bấm mềm loại tốt đã có thể thiết lập thời gian chụp để làm time-lapse, hoặc sử dụng điều khiển từ xa bằng hồng ngoại, và mới nhất là các ứng dụng điều khiển trên điện thoại. Nhưng dây bấm mềm truyền thống vẫn tỏ ra có ưu thế cho những người hay quên sạc pin hay thay pin, bởi điều khiển từ xa và điện thoại phụ thuộc vào nguồn pin để sử dụng.
5. Bộ vệ sinh máy ảnh
Đối với người đam mê ảnh phong cảnh, bộ vệ sinh ống kính và máy ảnh lúc nào cũng có trong hành trang. Với việc luôn phải di chuyển và chụp ngoài trời, bụi và đôi khi mưa nhẹ luôn bám vào ống kính và máy ảnh. Ngoài việc cẩn thận vệ sinh máy ngay sau khi chụp, đôi khi bạn còn phải vệ sinh ống kính ngay tại hiện trường chụp để đảm bảo có những khung hình trong trẻo, sắc nét.
Đối với mirrorless lẫn DSLR, việc bám bụi vào cảm biến khi thay ống kính ngoài hiện trường đều có thể xảy ra, khi những hạt bụi có khối lượng lớn không thể khử bằng sóng siêu âm có sẵn trong các dòng máy hiện đại thì bong bóng thổi khí truyền thống vẫn tỏ ra hữu hiệu.
Hiện nay các bộ vệ sinh với khá đủ các dụng cụ có thể làm sạch máy và ống kính tức thời rất tiện dụng và được bán khá nhiều. Khi mua, chúng ta cần lưu ý kích thước và khả năng cất giữ (hộp đựng ngăn tác động lên bình nước chùi ống kính) để mang theo khi chụp.
Với 5 phụ kiện kể trên, các bạn có thể vừa bảo quản máy ảnh, vừa giúp tăng hiệu ứng hình ảnh chụp cho nhiếp ảnh phong cảnh. Chọn được thể loại nhiếp ảnh mình yêu thích đã là điều tuyệt vời, trang bị đúng phụ kiện để cho hình ảnh càng đẹp thêm thì còn gì bằng. Chúc anh em chụp được nhiều hình đẹp.
(Theo Tinh tế)