Chip M1 trên MacBook Pro 13 inch M1 2020 mới sở hữu có nhiều ưu điểm hơn, nhưng không thể nói là không có nhược điểm.
Tác giả: Nilay Patel / Ảnh: Alexander Kramer @ The Verge
Cách hình dung chiếc MacBook Pro 13 inch 2020 mới đơn giản và hiệu quả nhất chính là “MacBook Air có quạt”.
Nói nghiêm túc đấy nhé. Quạt tản nhiệt chính là điểm khác biệt thấy rõ nhất giữa hai chiếc laptop mới của Apple chạy trên chip M1 của chính hãng chế tạo: MacBook Air mới không có quạt thì có hiệu suất tiết chế hơn khi nhiệt độ tăng. Trong khi đó, MacBook Pro 13 inch có thể bật quạt và đạt hiệu suất cao, lâu hơn.
Dĩ nhiên bên cạnh đó vẫn có những điểm khác nhỏ khác: Pro có màn hình chỉnh hơn một chút, mic tốt hơn, loa to hơn. Pin lớn hơn nên thời lượng sử dụng cũng dài hơn. Và không thể thiếu Touch Bar thay cho hàng phím chức năng. Xét về hiệu suất, nó có độ tương đồng cao với Air, cho đến khi sử dụng với thời lượng lâu hơn – và tất cả phụ thuộc vào chiếc quạt.
Đối với một số người, giới hạn nho nhỏ này về hiệu suất sẽ đáng giá tiền hơn Air. Cấu hình Pro cơ bản ở mức giá $1,299 với GPU 8 lõi, 8GB RAM và ổ cứng 256GB đắt hơn cấu hình Air cơ bản là $300, trong khi cấu hình cao hơn với ổ cứng 512GB chốt giá $1,499, tức hơn $250 so với cấu hình tương tự trên Air. Có thể nói, so sánh với phiên bản gần đây nhất của dòng máy này, thì chiếc Pro mới không có vấn đề gì về bàn phím, thời lượng pin xuất sắc và thậm chí có hiệu suất cao hơn. Đây thực sự là một nâng cấp toàn diện.
Có rất nhiều chi tiết kỹ thuật xoay quanh chip M1, cách nó vận hành các ứng dụng được xây dựng cho chip Intel, và lời ngỏ đến với chúng ta về tương lai của máy tính Mac. Câu trả lời ngắn gọn là chiếc MacBook Pro 13 inch này rất ấn tượng, là mẫu laptop xuất sắc với hiệu suất lớn và thời lượng pin tuyệt vời. Nhưng nếu bạn đang tính sắm một chiếc Mac M1 mới, thì hãy tự hỏi xem liệu có đáng bỏ thêm tiền trước khi cân nhắc phiên bản của Air không, bởi câu trả lời sẽ khiến ngay cả bạn cũng bất ngờ đấy.
Trong bài đánh giá MacBook Air M1, chúng ta đã thấy được cách con chip mới làm việc với các ứng dụng Intel và cách các ứng dụng iOS chạy trên máy tính Mac một cách chi tiết, do đó ở đây mình sẽ không bàn lại nữa. Nói ngắn gọn thì là Apple đã hoàn thành công việc hết sức xuất sắc khi biến các ứng dụng Intel chạy được và chạy tốt trên hệ chip mới, trong khi các ứng dụng iOS thì gây rối và khó chịu.
>> Xem thêm Đánh giá MacBook Air M1
Mọi thứ đều tương tự trên MacBook Pro 13 inch M1. Một lẫn nữa vẫn là sự khác biệt chân thực từ chiếc quạt tản nhiệt và ý nghĩa của nó đối với hiệu suất của chip M1. M1 cũng làm việc khác với các chip x86 dùng trên nhiều laptop khác, chúng ta sẽ có rất nhiều thứ để nói về con chip này.
Một chip Intel tiêu chuẩn như Core i5 2GHz 4 lõi mà Apple thường đặt vào các cấu hình Pro cao cấp lại không phải lúc nào cũng chạy ở tốc độ 2GHz. Đấy là tốc độ xung nhịp nền. Nhưng khi cần hiệu suất tăng cường, chip này có thể turbo boost lên đến 3.8GHz. Khi cần hạ nhiệt hoặc tiết kiệm pin, con số này có thể rơi xuống thấp hơn mức nền 2GHz. Đây gọi là suy giảm nhiệt năng (thermal throttling), và cách việc suy giảm này ảnh hưởng đến hiệu suất từ lâu đã trở thành điểm quan trọng nhất trong rất nhiều bài đánh giá laptop Mac.
Chip M1 có hơi khác một chút: Apple cho biết con chip này không có turbo boost. Phần lớn thời gian nó sẽ chạy ở tốc độ xung nhịp cao nhất, và khi hệ thống phát hiện laptop không thể tản nhiệt hiệu quả cho chip nữa thì nó mới tự giảm tốc lại. Dễ thấy trên MacBook Air không quạt khi mà máy này đạt các điểm Cinebench thấp hơn khi chấm trên vòng lặp 30 phút. Bộ tản nhiệt bằng nhôm của Air thực sự không tản nhiệt đủ nhanh cho chip M1 và khiến chip chậm đi. Đối với một chiếc laptop tiêu dùng thì có thể chấp nhận, nhưng bạn sẽ không muốn thứ tương tự trên một con máy chuyên nghiệp từ cái tên.
Như vậy là, trên MacBook Pro có quạt. Và trên thực tế, khi chấm Cinebench 30 phút tương tự thì quạt được bật lên chỉ sau vài phút và tiếp tục chạy trong suốt thời lượng 30 phút này, giữ điểm số không đổi. Nhìn chung Pro có vẻ cũng có thiết kế nhiệt năng hiệu quả hơn so với Air: khi thử xuất 4K trong Adobe Premiere Pro vài lần, quạt không bật nhưng số lần export vẫn dàn đều. (Mình phát hiện một con bug lạ ở Rosetta trong phần chấm này: mình đặt export Premiere ở bitrate 40mb/s, nhưng trong Rosetta trong số 3 chiếc Mac M1 thì con số này chỉ đạt tới 20. Khi mình cài lên 80mb/s thì mức đạt là 40. Khi mình hỏi Adobe, hãng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở là họ chưa hỗ trợ việc chạy các ứng dụng Creative Cloud trên Rosetta 2. Hãy ghi nhớ điều này nếu nó quan trọng với bạn.)
Thực ra rất khó bật quạt lên. Những thứ dễ dàng bật quạt trên MacBook Pro 16 inch Intel như Google Meet trên Chrome thì gần như không xi nhê trên MacBook Pro M1. Trừ khi đẩy tác vụ nặng thành một chu trình trên máy; nếu không thì sự khác biệt về hiệu suất giữa Air và Pro thực sự không quá đáng kể.
Mình muốn nhấn mạnh là những gì mình biết về chip M1 hiện đều đến từ phía Apple và để xác nhận một cách độc lập thì không dễ chút nào. Thông tin thực duy nhất mình có là hiệu suất và hiệu năng của chip M1 (bảng dưới), thứ mà hãng đã không gọi tên cụ thể.
Hãng có nói là các đường cong trên được sắp đặt trên một thước đo thẳng và lưu ý là chip M1 cung cấp gấp đôi hiệu suất của chip đối thủ (không đề tên) ở mức 10 watt. Cũng đáng chú ý là đường cong của M1 bị ngắt. Apple lý giải điểm này là do đội ngũ chip của hãng quan tâm vấn đề thời lượng pin không khác gì vấn đề hiệu suất, nên họ thiết kế M1 nhằm mang lại sự cân bằng cho cả hai khía cạnh này, chứ không phải để cố đạt hiệu suất cao nhất bằng mọi giá.
Điều này đồng nghĩa thời lượng pin trên Pro hay trên Air đều xuất sắc cả. Nhà Táo đã có những lời khẳng định táo bạo trước cải tiến của thời lượng pin M1 — lên đến gấp 2 lần thời lượng pin so với cấu hình Intel. Các ứng dụng nổi tiếng hao pin như Chrome có vẻ vẫn sẽ tiếp tục hao pin khi làm việc với Rosetta 2, nhưng cũng từ đó chúng ta sẽ thấy được thứ gì đã thay đổi khi các ứng dụng hao pin này có nguyên bản thiết kế riêng cho con chip của Apple.
Có thể nói chúng ta sẽ bị hạn chế khỏi việc suy luận sức mạnh của chip M1 từ một bảng tổng hợp hoặc bộ điểm đánh giá benchmark không đẹp nào đó. Tương tự như các chip di động khác, Apple không chủ động chia sẻ các thông tin kỹ thuật chi tiết của M1; “About This Mac” còn không báo cáo tốc độ xung nhịp. (Geekbench và Cinebench đều báo cáo 1 con số vào tầm 3.2GHz.) Cũng rất khó tìm ra dấu nhiệt, năng lượng hay tốc độ xung nhịp trực tiếp bằng cách dùng các công cụ macOS đơn giản — Intel Power Gadget không thể hoạt động ở đây — còn Apple sẽ không nói gì cả, nếu thông tin đó có thể bị phơi bày trước các thỏa dụng thực tế. Do đó dù hiệu suất thực tế rất tuyệt, vẫn không thể nói chính xác chuyện gì sẽ xảy ra với M1 ở bất kỳ thời điểm nào. Tin tốt là với nhiều người dùng, hiệu suất quan trọng hơn thông tin kỹ thuật chi tiết.
Các hạn chế thực sự của M1 cũng khá là rõ ràng với một cỗ máy có tính “chuyên nghiệp” ngay từ trong tên. Không máy M1 nào có cấu hình RAM cao hơn 16GB, và cũng không máy nào hỗ trợ mở rộng bộ nhớ. Chỉ hỗ trợ một màn hình mở rộng. Apple đã tự phát triển bộ điều khiển Thunderbolt của chính hãng, tích hợp vào chip M1, nhưng mình vẫn chưa thấy máy nào có nhiều hơn 2 cổng Thunderbolt. Người dùng cũng không có quyền mở rộng GPU với các cổng Thunderbolt này luôn, khác với những gì có thể làm với cấu hình Intel. Những hạn chế này có thể chấp nhận được trên một chiếc Air tập trung vào người tiêu dùng, nhưng không dễ chấp nhận khi xuất hiện trên một chiếc Pro đắt tiền hơn.
M1 đánh giấu một số thay đổi quan trọng khác trên nền tảng Mac, tuy không khác biệt mấy trên chiếc MacBook Pro 13 inch hiện tại nhưng sẽ là những ẩn ý nhất định cho tương lai. Các máy M1 nay có một hệ thống shared pool và bộ nhớ đồ họa riêng theo kiểu iOS gọi là Unified Memory Architecture (UMA), cho phép hiệu suất đồ họa nhanh hơn đối với đồ họa kết hợp nhưng có thể sẽ tạo nên tiền đề cho việc loại bỏ GPU rời hoàn toàn khỏi Mac. Trong khi UMA không can hệ gì đến bất kỳ vấn đề tương thích nào với các ứng dụng trong lúc mình dùng thử máy, thì vẫn có khả năng một số ứng dụng nhất định sẽ cần được nâng cấp đáng kể để làm việc với các thiết bị như vậy.
Như vậy, một trong những lời lẽ lặp lại của Apple về các máy tính Mac M1 là, chúng đều là máy tính Mac, đều có hệ OS và cấu hình ứng dụng mở giống như những máy tính Mac khác. Hy vọng điều này đồng nghĩa là chúng ta sẽ sớm có được những thông tin thực sự hữu ích về giới hạn của M1 trong khi càng nhiều người hơn viết về khả năng và chấm điểm benchmark cho nó. Mình cũng hy vọng hãng sẽ cung cấp thêm thông tin về chiếc chip mới trong lúc mở rộng kiến trúc này trên các dòng sản phẩm khác của hãng — những người dùng chuyên nghiệp cao cấp nhất thiết kế các ứng dụng custom và khối lượng công việc lớn sẽ rất cần.
Phần còn lại của MacBook Pro 13 inch M1 không khác gì chiếc entry-level 13 inch trước đó: 2 cổng giao tiếp, màn hình 500 nit, bàn phím mới mà cũ được cải tiến mạnh, vẫn Touch Bar gây bối rối, và quả webcam 720p từ bao đời nay vẫn dở như thế.
Apple nói rằng hãng đã sử dụng một vài mánh xử lý hình ảnh nho nhỏ mượn từ iPhone cho lên M1 nhằm cải thiện webcam, bạn có thể nhận thấy điều đó ở độ sáng khuôn mặt tăng lên một chút, phơi ngược sáng đỡ hơn một chút, nhưng các mánh xử lý này cũng khiến hiệu ứng tổng thể ngả nhiều về chiều hướng tệ hơn. Lẽ ra chiếc máy này có thể đạt 10/10 điểm đánh giá, nhưng mình nghĩ cái camera đã kéo điểm cả hội xuống, nhất là khi xét đây là MacBook Pro 13 inch đắt tiền hơn chiếc Air.
Mình sẽ không nói quá nhiều về Touch Bar, ngoại trừ việc nếu mình đã không cần nhìn xuống tay trong khi đánh máy, thì việc nhìn xuống khỏi màn hình chỉ để điều chỉnh những thứ như âm lượng hay độ sáng trên Touch Bar dĩ nhiên là không đáng như với phím vật lý thông thường hay tệ hơn là điều khiển trực tiếp trên màn hình trong khi macOS Big Sur được thiết kế trông như người anh em iOS… tức là lẽ ra nó nên được áp dụng phương thức điều khiển cảm ứng.
Việc Apple khăng khăng rằng ‘với tay lên để cảm ứng trên màn hình là quá nhọc’ nghe thật kỳ khôi, nhất là khi đấy không phải là vấn đề trên iPad hay hàng loạt những chiếc laptop Windows đa năng ngoài kia, và còn đặc biệt hơn là khi các laptop này có thể chạy ứng dụng iPhone và iPad một cách nguyên bản. Hy vọng sang năm nhà Táo sẽ vui vẻ giả vờ như họ vẫn khám phá ra một phương thức mới mẻ bạo dạn nào đó cho phép họ thực hiện cái việc tưởng chừng đã rất rõ ràng này: đưa màn hình cảm ứng lên máy tính Mac và rút bỏ Touch Bar.
Có hai điều để tổng kết cho MacBook Pro 13 inch M1: thứ nhất, con chip M1 và những gì Apple đã làm để biến việc chuyển đổi chip khó nhằn trở nên suôn sẻ là một thành công đặc biệt; và thứ hai là, riêng chiếc MacBook Pro này không đến mức rất đáng nâng cấp từ MacBook Air M1.
Đương nhiên Pro mang lại hiệu suất cao hơn và thời lượng pin dài hơn một chút so với Air. Tuy vậy một số người dùng lại muốn lấy vài phút kết xuất nhanh hơn trên để đổi lại với mấy tiếng liền đánh vật với Touch Bar. Và nếu bạn có nhu cầu nhiều hơn nữa về hiệu suất thì có thể bạn sẽ muốn nhiều hơn chỉ là 2 cổng, 16GB RAM và 1 màn hình mở rộng. Chiếc máy này bị đặt vào thế nửa vời – có tốt, có hấp dẫn, nhưng nửa vời vẫn hoàn nửa vời.
Điều hoàn thiện nhất mà MacBook Pro 13 inch M1 làm được, đó là cho người ta kỳ vọng để trông đợi những bước tiến tiếp theo của đội ngũ chip Apple khi họ nhắm đến các cỗ máy chuyên nghiệp thực sự của hãng này.
Theo The Verge