Home > Đánh giá > EOS 5D Mark IV Phỏng Vấn Các Nhà Phát Triển (Phần 3): Định Dạng Mới DPRAW
Đánh giá

EOS 5D Mark IV Phỏng Vấn Các Nhà Phát Triển (Phần 3): Định Dạng Mới DPRAW

eos-5d-mark-iv_1409

Dual Pixel RAW (DPRAW) hoạt động như thế nào, và người dùng có thể sử dụng nó hiệu quả nhất bằng cách nào? Các nhà phát triển EOS 5D Mark IV cho chúng ta biết thông tin đó trong Phần 3 của bài phỏng vấn này.

eos-5d-mark-iv_1409

DPRAW là gì?

– Các ông có thể giải thích bằng thuật ngữ đơn giản về hệ thống cơ bản và các nguyên tắc hoạt động của tính năng DPRAW mới hay không?

Nashizawa: Ảnh DPRAW là định dạng ảnh RAW kết hợp thông tin hình ảnh từ hai điểm quan sát khác nhau, có được từ cảm biến CMOS. Thông tin thị sai phát sinh từ sự chênh lệch điểm quan sát được sử dụng trên chức năng Dual Pixel RAW Optimizer trong phần mềm Digital Photo Professional (DPP) Ver. 4.5.0 để thực hiện các dạng biên tập hậu kỳ khác nhau cho ảnh.

– Ban đầu yếu tố gì đã dẫn đến sự phát triển DPRAW?

Tachibana: Khi chúng tôi phát triiển một định dạng điểm ảnh kép cho cảm biến, chúng tôi đã biết rằng công nghệ này có thể được sử dụng để thực hiện những thao tác biên tập hậu kỳ khác nhau cho ảnh tĩnh. Sau nhiều lần thử nghiệm trong giai đoạn phát triển, cuối cùng chúng tôi xoay sở hình thành một chức năng chụp DPRAW mới trên EOS 5D Mark IV.

– Ảnh Dual Pixel RAW liên quan đến việc thu thập thông tin ảnh từ hai điểm quan sát. Có phải điều này có nghĩa là tính năng này chỉ khả dụng khi chụp ở chế độ Live View?

Tachibana: Không. Ảnh DPRAW về cơ bản là ảnh RAW được điều chỉnh bằng thông tin từ hai điểm quan sát, và chúng có thể được ghi vào phương tiện ghi cả trong khi chụp ở chế độ Live View lẫn trong khi chụp qua khung ngắm. Bạn chỉ cần cài đặt chất lượng hình ảnh thành “RAW”, và sau đó bật tính năng Dual Pixel RAW trong trình đơn của máy ảnh. Bạn cũng có thể thực hiện chỉnh sửa ảnh sau đó trên phần mềm DPP. Tuy nhiên, lưu ý rằng kích thước của ảnh DPRAW bằng khoảng hai lần ảnh RAW bình thường do nó chứa lượng thông tin lớn hơn.

– Các ông có thể cho chúng tôi biết ngắn gọn về từng hiệu ứng chỉnh sửa ảnh hay không?

Nashizawa: Như tên gọi thể hiện, Bokeh Shift là một tính năng để dịch chuyển vị trí của hiệu ứng bokeh (tiền cảnh hoặc hậu cảnh), trong khi tính năng Ghosting Reduction giúp giảm bóng ma hoặc lóa vì những lý do như ngược sáng bằng cách sử dụng chức năng Dual Pixel RAW Optimizer. Image Microadjustment là một tính năng để chỉnh độ phân giải rõ nét dùng thông tin chi tiết về đối tượng chẳng hạn như khi đối tượng có chuyển động nhỏ.

Bokeh Shift: Trước

Bokeh Shift: Sau

– Có bất kỳ điều kiện nào cho phép nhìn thấy hiệu ứng Dual Pixel RAW Optimizer dễ hơn hay không?

Nashizawa: Về nguyên tắc, những hiệu ứng nào đó sẽ xuất hiện khi bạn chụp ảnh DPRAW, nhưng thực ra có những điều kiện để các hiệu ứng đó xuất hiện dễ nhận thấy hơn. Trước hết, hiệu ứng đối với tất cả các khu vực được chỉnh sửa sẽ trở nên dễ nhận thấy hơn khi thiết lập khẩu độ là f/5.6 trở xuống. Chúng tôi cũng khuyên dùng độ nhạy sáng ISO 1600 trở xuống. Cũng lưu ý rằng hiệu ứng có thể khác nhau tùy vào việc ảnh nằm dọc hay nằm ngang.

– Có phải hiệu ứng chỉnh sửa cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như độ dài tiêu cự và khoảng cách chụp của ống kính được sử dụng hay không?

Nashizawa: Có. Ví dụ, đối với tính năng Image Microadjustment, độ dài tiêu cự 50mm trở lên là lý tưởng. Hiệu ứng chỉnh sửa cũng trở nên càng nổi bật khi khoảng cách từ đối tượng càng lớn, mặc dù có tồn tại một “khoảng cách hiệu quả nhất” cho từng độ dài tiêu cự.
Đối với một ống kính thuộc nhóm 50mm, khoảng cách hiệu quả nhất là từ khoảng 1m đến 10m, trong khi đối với ống kính nhóm 100mm sẽ là khoảng từ 2m đến 20m. Trong trường hợp ống kính nhóm 200mm, khoảng cách chụp từ khoảng 4m đến 40m là lý tưởng để làm xuất hiện hiệu ứng của các tính năng Image Microadjustment, Bokeh Shift và Ghosting Reduction.

Tachibana: Khoảng cách hiệu quả nhất ở đây có nghĩa là đối tượng nằm trong phạm vi khoảng cách này. Tuy nhiên, ngay cả khi đáp ứng các điều kiện được đề nghị, mức độ hiệu ứng có thể khác nhau tùy cảnh. Trên thực tế, hiệu ứng bạn có được từ chức năng chỉnh sửa trên thực tế không mạnh lắm, do đó tốt nhất là hãy xem nó như một công cụ để chỉnh sửa ảnh bạn đã chụp.

Tính năng Image Microadjustment hữu ích để chụp chân dung và các thể loại khác

– Mặc dù lý tưởng là chụp nét mặt và chuyển động của mái tóc trong ảnh chân dung, ảnh có được có thể không sắc nét nếu đối tượng có bất kỳ chuyển động nhỏ nào. Vậy tôi có đúng không khi nói rằng việc áp dụng tính năng Image Microadjustment trong trường hợp này sẽ giúp tạo ra kết quả mong muốn?

Tachibana: Vâng, tôi cho rằng tốt nhất là nên hiểu tính năng này như một tính năng để đảm bảo kết quả tốt khi bạn muốn tinh chỉnh độ phân giải rõ nét ở những tình huống như thế này. Tôi thấy rằng sử dụng tính năng này kết hợp với một ống kính có khẩu độ lớn và độ sâu trường ảnh nông sẽ giúp tăng khả năng có được ảnh hoàn hảo.

– Có thể thực hiện chỉnh sửa chỉ làm tăng độ phân giải rõ nét của đồng tử thay vì ở khóe mắt hay không?

Nashizawa: Điều đó còn phụ thuộc vào điều kiện chụp, nhưng tôi cho rằng có thể thực hiện chỉnh sửa ở mức đó. Tuy nhiên, kết quả có thể khác nhau tùy vào điều kiện chụp, do đó chúng tôi không thể cung cấp số liệu cụ thể về mức độ chỉnh sửa.

Image Microadjustment: Trước

Image Microadjustment: Sau

 

Image Microadjustment: Trước

Image Microadjustment: Sau

– Khi chụp ảnh như cảnh đêm, bất kỳ độ nghiêng nhỏ nào của ống kính cũng có thể dẫn đến thay đổi ở bóng ma và lóa. Tôi có thể hiểu tính năng chỉnh sửa bằng DPRAW như một tính năng cũng sử dụng hiện tượng này hay không?

Tachibana: Có, bạn hoàn toàn đúng khi nói nó sử dụng sự khác biệt phát sinh ở trạng thái này. Giống như có hiện tượng bóng ma (và lóa) có thể loại bỏ và có hiện tượng không thể loại bỏ, một số dạng bóng ma có thể được giảm thiểu trong ảnh DPRAW nhưng số khác thì không, do đó chúng tôi mong rằng người dùng có thể hiểu rằng hiện tượng bóng ma không được loại bỏ hoàn toàn theo cùng cách như khi bạn sử dụng phần mềm biên tập ảnh.

– Tôi thấy đây là một tính năng rất hữu ích. Có bất kỳ hạn chế nào đối với các chức năng chụp khi sử dụng Image Microadjustment hay không?

Nashizawa: Số ảnh có thể và số ảnh chụp liên tiếp tối đa khi chụp liên tục là nhỏ hơn, và tốc độ chụp liên tục tối đa trở thành khoảng 5 fps. Ngoài ra, không thể sử dụng nó kết hợp với Multiple Exposure, chụp HDR, Digital Lens Optimizer và One-touch Image Quality Setting.

– Tôi có thể thực hiện điều chỉnh ảnh theo cùng cách như với ảnh RAW ngay cả khi chọn DPRAW hay không?

Nashizawa: Có. Ảnh DPRAW được lưu lại như ảnh RAW bình thường ở cùng định dạng với cùng đuôi tập tin, do đó có thể thực hiện điều chỉnh ảnh bằng phần mềm DPP.

Nên sử dụng tính năng Dual Pixel RAW Optimizer để hoàn thiện ảnh

– Vui lòng cho chúng tôi biết chúng tôi nên lưu ý những điểm gì khi điều chỉnh bằng Dual Pixel RAW Optimizer.

Nashizawa: Trước hết, đường viền của đối tượng hoặc hiệu ứng bokeh có thể trở nên thiếu tự nhiên khi sử dụng tính năng Bokeh Shift, và cũng có thể có nhiễu dễ nhận thấy hơn hoặc thay đổi màu sắc hoặc độ sáng. Khi nhận thấy những hiện tượng này, hãy giảm mức hiệu ứng Bokeh Shift. Làm như thế cũng có thể giúp cải thiện hiệu ứng khi độ phân giải rõ nét ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh hoặc khi vùng đã chọn trong ảnh trở nên thiếu tự nhiên do mức điều chỉnh lớn.
Đối với tính năng Ghosting Reduction, đường bao của đối tượng hoặc hiệu ứng bokeh có thể trở nên thiếu tự nhiên, hiện tượng nhiễu có thể tăng, và những thay đổi về màu sắc hoặc độ sáng có thể trở nên dễ nhận thấy hơn. Trong những trường hợp như thế, bạn có thể chỉnh độ phân giải rõ nét theo cùng cách như với Bokeh Shift để giải quyết các vấn đề này.
Một điểm khác cần lưu ý là bạn không thể áp dụng các dạng chỉnh sửa khác nhau cùng lúc.

– Tính năng Ghosting Reduction có bị ảnh hưởng bởi loại nguồn sáng hay không?

Nashizawa: Không. Ghosting Reduction không phân biệt loại nguồn sáng, mà chỉ sử dụng thông tin ảnh DPRAW từ hai điểm quan sát. Có thể áp dụng nó bất kể hiện tượng bóng ma hoặc lóa xuất hiện ở nguồn sáng tự nhiên hay nhân tạo. Tuy nhiên, hiệu ứng có được sẽ khác nhau tùy vào mức độ bóng ma (hoặc lóa) cũng như điều kiện chụp.

Ghosting Reduction: Trước

Ghosting Reduction: Sau

– Khi chúng ta thấy rằng độ phân giải rõ nét phần nào không đủ, điều quan trọng là phải biết Dual Pixel RAW Optimizer có giúp đạt được hiệu ứng mong muốn hay không, hoặc độ phân giải rõ nét thấp hơn có phải là do quang sai của ống kính hay không, có phải vậy không?

Tachibana: Vâng, đúng vậy. Khi xử lý ảnh RAW, người dùng sẽ cần phải xác định xem nên sử dụng Dual Pixel RAW Optimizer hay áp dụng Digital Lens Optimizer để chỉnh quang sai của ống kính dựa trên ảnh cần điều chỉnh. Về mặt này, tính năng này là thích hợp với những người dùng có trình độ kỹ năng tương đối cao.

– Đối với Dual Pixel RAW Optimizer, chúng ta có cần phải phát triển một cảm giác trực quan về mức độ của hiệu ứng hay không?

Tachibana: Cách duy nhất là để người dùng tự làm quen với các hiệu ứng này. Chúng tôi không muốn người dùng của mình chụp ảnh thiếu chính xác hơn khi cho rằng có thể điều chỉnh sau bằng tính năng này. Mà, họ nên tiếp tục tạo ra ảnh chính xác như trước đây và sử dụng tính năng này như một công cụ để chỉnh sửa ảnh cuối cùng.

Để biết giải thích chi tiết hơn về 3 cách bạn có thể xử lý hậu kỳ ảnh DPRAW, hãy tham khảo bài viết sau đây:
Thủ Thuật Sử Dụng EOS 5D Mark IV: 3 Tính Năng DPP Mới, Tiện Lợi Để Chỉnh Sửa Ảnh DPRAW

 

Nguồn: SnapShot

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *