Home > Tin Tức > Tổng kết 2022: top 5 máy ảnh, máy quay cho videographer nổi bật nhất năm
Tin TứcTin Tức Máy ẢnhĐánh giáĐánh Giá Máy Ảnh

Tổng kết 2022: top 5 máy ảnh, máy quay cho videographer nổi bật nhất năm

175549161_877571806419074_3038642731046708904_n1a

Ranh giới giữa các dòng máy ảnh chụp ảnh/quay video kết hợp với máy quay điện ảnh/video chuyên dụng ngày càng mỏng manh, với những tính năng quay 10bit, 8K hoặc 4K tốc độ khung hình cao và tùy chọn đầu ra Log/Raw phức tạp dần xuất hiện trên các mẫu máy dành cho thị trường đại chúng.

Hầu hết những dòng máy lai tập trung quay video đều có nhiều công cụ hỗ trợ lấy nét và phơi sáng có thể tìm thấy tương tự trên các máy quay phim chuyên nghiệp có giá hơn $10,000, nhưng kèm với đó lại là hệ thống lấy nét tự động và khả năng tương thích ống kính của các dòng máy chuyên chụp ảnh. Đặc điểm này mở ra nhiều lựa chọn để quay phim cao cấp, khi bạn cần thứ gì đó nhỏ hoặc rẻ hơn so với những chiếc máy quay A-cam của Hollywood.

Máy quay xuất sắc nhất cho videographer: Sony FX30

1664368534_172e

Sony FX30 là lựa chọn trước nhất, đơn giản là vì nó làm được và làm tốt ở rất nhiều mặt. Cảm biến APS-C xuất sắc với mức độ chi tiết tuyệt vời (phần lớn 4K khai thác từ vùng 6K), cũng như khả năng kiểm soát màn trập lăn rất tốt. Hiệu suất AF tuyệt vời, cung cấp các công cụ cần thiết khi quay chụp ngoài trời.

Hiện có rất nhiều ống kính ngàm E và vẫn còn nhiều lựa chọn ống kính khác nếu bạn cần điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu quay dựng cá nhân. FX30 cũng cung cấp tùy chọn mua kèm tay cầm phía trên kiêm bộ chuyển đổi XLR trong trường hợp bạn thích thu âm thanh từ ngoài hơn. Giá bán phải chăng của nó (xét với một định dạng cảm biến đã được các ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh chấp nhận từ lâu) cũng là điểm cộng lớn giúp FX30 trở thành lựa chọn được ưu ái nhất.

Lựa chọn full-frame xuất sắc nhất: Sony FX3

175549161_877571806419074_3038642731046708904_n1a

Sony FX3 sẽ là lựa chọn hàng đầu cho nhu cầu quay full frame, lý do đa phần tương tự đối với trường hợp của FX30. Phiên bản full frame của FX30 ghi lại những thước phim đẹp mắt với thậm chí ít lỗi màn trập lăn hơn, cũng như kèm sẵn một loạt tùy chọn nén và được hỗ trợ bởi một hệ thống lấy nét tự động hoạt động rất hiệu quả.

Những thước phim của FX3 sẽ kém chi tiết hơn chút so với phim quay trên FX30 do lấy gần vùng 4K gốc hơn nhiều, nhưng xét trên hầu hết các khía cạnh khác thì kích thước cảm biến và giá cả mới là những thứ cơ bản khiến chúng khác biệt. Một số người dùng có thể chịu không cần quạt và tay cầm phía trên đồng thời thích kính ngắm của chiếc A7S III có kiểu dáng SLR hơn, nhưng thực sự FX3 và FX30 mới là các máy ảnh lai hàng đầu dành cho giới videographer.

Sony FX30

1664368534_1729317

Ưu điểm

  • AF video xuất sắc
  • Giao diện và thiết kế tối ưu để quay video
  • Đa dạng định dạng và tốc độ khung hình quay phim

Nhược điểm

  • Không có màn trập cơ để chụp ảnh
  • Ổn định quang học chưa đạt
  • Không có EVF để chụp dưới ánh sáng mạnh

Sony FX30 là máy ảnh mirrorless APS-C 4K tập trung vào video với tính năng ổn định hình ảnh từ dòng máy quay Cinema của Sony.

FX30 có khung thân máy giống chiếc FX3 full-frame, với bộ lỗ lắp ren 1/4-20 và các nút tùy chỉnh để đảm bảo truy cập thuận tiện vào các cài đặt chính. Máy có ba nút xoay lệnh với các tùy chọn để khóa chọn lọc một số điều khiển nhất định nhằm tránh thao tác ngoài ý muốn.

Lấy nét tự động hoạt động tốt, đặc biệt đối với chủ thể con người, có thể tiếp tục theo dõi đối tượng đã chọn ngay cả khi họ quay đi hoặc có chủ thể tiềm năng khác trong khung hình. Mức độ kiểm soát tốt tốc độ và khả năng phản hồi của bộ lấy nét khá cao.

FX30 có thể quay video 4K UHD từ toàn chiều rộng cảm biến 6K cao nhất ở tốc độ tối đa 60p và có thể quay như vậy ở định dạng 10bit. Phim rất chi tiết, quay Log cho phép cân chỉnh. Máy có nhiều công cụ lấy nét và phơi sáng video (dù không hiển thị waveform) và tùy chọn thêm tay cầm phía trên với đầu vào XLR cho âm thanh 4 kênh.

FX30 không có màn trập cơ và sử dụng cảm biến BSI CMOS thay vì thiết kế Stacked CMOS nhanh hơn (và đắt tiền hơn), nghĩa là hình ảnh của nó có nguy cơ gặp màn trập lăn và méo chiều dọc nếu có nhiều chuyển động trong cảnh. Máy có thể chụp ảnh nhưng đó không phải là thế mạnh của nó.

FX30 tiếp cận thị trường sản xuất quy mô nhỏ/độc lập từ khía cạnh video, thay vì khía cạnh chụp tĩnh/máy lai, và cung cấp nhiều lựa chọn video để hỗ trợ phim đầu ra chất lượng cao.

Sony FX3

1614080143_1624226_avqf-e9

Ưu điểm

  • Chất lượng 4K xuất sắc với nhiều tùy chọn đầu ra ngoài
  • Tích hợp quạt tăng độ ổn định khi tản nhiệt
  • Có ổn định hình ảnh trong thân máy

Nhược điểm

  • Không có điều khiển góc màn trập (chỉ điều khiển tốc độ màn trập)
  • Waveform chưa thực sự hữu dụng
  • 4K không chi tiết bằng các đối thủ xuất sắc nhất
  • Không có EVF để quay dưới trời nắng sáng

Sony FX3 là máy quay video 4K full-frame thuộc dòng Cinema Line của Sony, có thể xem là phiên bản A7S III chuyên quay video.

FX3 có ba nút xoay điều khiển cho phép điều khiển tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO. Bộ nút tùy chỉnh đồng nghĩa trong đó sẽ có một nút dễ tiếp cận có thể hoạt động như nút quay [REC] ngay cả khi máy lắp vào rig, cùng một dãy các điểm lắp 1/4-20 tăng tính linh hoạt. Tay cầm trên cùng với đầu vào XLR hoàn thiện bố cục thân thiện với nhu cầu quay video.

FX3 có tính năng nhận diện pha trên cảm biến, xác định và theo dõi đối tượng rất tốt, đồng thời duy trì tiêu điểm vào con người ngay cả khi đối tượng rời mắt khỏi máy. Pin bền tốt cho việc quay video.

Phim 10bit của FX3 cực kỳ linh hoạt và có thể quay tới 4K/120. Đầu ra Raw ’16bit’ cần xử lý rất nhiều chỉ để cạnh tranh với loại phim OOC hấp dẫn. Video AF không hoàn toàn đáng tin cậy như ở chế độ ảnh tĩnh nhưng là một trong những hệ thống tốt nhất hiện nay. Chế độ ‘Cine EI’ cung cấp phương thức phơi sáng thân thiện với người quay phim.

FX3 cũng có khả năng tạo ra chất lượng hình ảnh tĩnh rất tốt, với hiệu suất Raw xuất sắc và JPEG ổn áp. Tuy nhiên, độ phân giải 12MP đồng nghĩa có thể sẽ có các tùy chọn tốt hơn nếu bạn muốn chụp ảnh tĩnh và quay video.

Sony FX3 là chiếc máy quay video vững vàng, có được khả năng lấy nét tự động xuất sắc từ dòng Alpha 7, vừa kế thừa một số phương thức xử lý của dòng máy quay Cinema Line. Nó không có kính ngắm mà chiếc A7S III tương tự cung cấp, nhưng thay vào đó có thân máy nhỏ hơn, dễ thích ứng hơn, cùng với tay cầm trên cùng và đầu vào XLR.

Canon EOS R5C

1642574759_1684244

Ưu điểm

  • 8K rất chi tiết với lỗi màn trập lăn vừa phải
  • Quay được Cinema RAW Lite
  • Quạt mang lại độ bền kéo dài
  • Hiển thị video có cả waveform

Nhược điểm

  • Giới hạn pin ở chế độ ghi Raw nhanh nhất
  • Khay SD thứ hai không phải lựa chọn tuyệt vời cho video
  • Đầu ra Micro HDMI mong manh

Canon EOS R5C là phiên bản tập trung quay video của chiếc EOS R5, là máy quay video 8K có thêm quạt nhưng thiếu chống rung trong thân máy.

Các nút điều khiển giống trên EOS R5: thoải mái và được cân nhắc kỹ lưỡng nhưng có thiết kế dành cho chụp qua kính ngắm. Giao diện và menu chuyển đổi giữa EOS (ảnh) và Cinema EOS (video) tùy thuộc vào chế độ đang sử dụng. Tất cả các nút đều có thể tùy chỉnh kép cho ảnh và video, đặc biệt hầu hết đều có gắn nhãn cho cả hai chế độ.

Khả năng lấy nét tự động rất tốt, đặc biệt hiệu quả khi lấy nét con người. Không hoàn hảo ở chế độ video như khi chụp ảnh tĩnh, nhưng hệ thống lấy nét này hoàn toàn có thể sử dụng được nếu bạn để mắt đến hoạt động của nó. Quạt giúp khắc phục những hạn chế về nhiệt của chiếc R5 thường, tạo nên một công cụ video đáng tin cậy hơn.

R5C cung cấp phim 8K chi tiết cao tương tự như R5 hoặc 4K ‘HQ’ chi tiết hơn ở độ phân giải lên đến 120p. Máy bổ sung thêm Cinema RAW Lite cho phép quay 8K/60 hoặc 4K/120, cùng với hiển thị dạng sóng và lấy nét chính xác. Cần có nguồn điện bên ngoài bổ sung để duy trì khả năng lấy nét tự động của ống kính và điều khiển khẩu độ ở các cài đặt video tham vọng nhất, còn cổng mini HMDI là một kế thừa khó hiểu từ R5.

Về cơ bản, R5C có thể được sử dụng như một chiếc EOS R5 cồng kềnh hơn chút nếu bạn chuyển sang chế độ chụp ảnh, với màn trập cơ đầy đủ đảm bảo nó tương đồng chất lượng hình ảnh với người anh em song sinh của nó. Tuy nhiên, việc thiếu hệ thống ổn định trong thân máy khiến nó ít phù hợp với chức năng này hơn.

EOS R5C là máy quay video có khả năng và đáng tin cậy hơn chiếc EOS R5 thường, có cảm giác giống một sản phẩm kế thừa hợp lý cho cuộc cách mạng máy ảnh lai mà Canon đã bắt đầu với EOS 5D Mk II. Tuy nhiên, một số hạn chế kỳ lạ và cổng micro HDMI lại khiến nó trông như một phiên bản R5 bị “ép xung” hơn là một máy quay phim chuyên biệt.

Canon EOS R6 Mark II

1667348713_1733214

Ưu điểm

  • AF đơn giản và mạnh mẽ để chụp tĩnh
  • Chụp liên tiếp nhanh 40fps với AF liên tục
  • Thời lượng pin xuất sắc

Nhược điểm

  • AF kém tin cậy ở chế độ quay video
  • Thẻ SD hạn chế thời lượng chụp liên tục
  • E-shutter có thể gây méo hình đối tượng di chuyển nhanh

Canon EOS R6 Mark II là dòng máy ảnh mirrorless full-frame bán chuyên thế hệ hai của hãng, xoay quanh cảm biến ảnh Dual Pixel CMOS 24MP.

R6 II có tay cầm chắc chắn và các nút điều khiển có khoảng cách hợp lý, kết hợp giao diện màn hình cảm ứng đơn giản và hệ thống menu được sắp xếp hợp lý. Máy vừa vặn thoải mái trong tay ngay cả khi lắp với các ống kính lớn.

Hiệu suất lấy nét tự động đáng tin cậy, ngay cả khi chụp ảnh ở tốc độ 40 hình/giây. Nhiều chế độ phát hiện chủ thể và chế độ phát hiện ‘Auto’ thông minh đáng kinh ngạc cho phép máy ảnh chọn các khu vực và thuật toán AF thích hợp với rất nhiều chủ thể thường gặp trong nhiếp ảnh.

Màn trập lăn được kiểm soát tốt bất ngờ ở chế độ màn trập điện, mặc dù giống như hầu hết các máy cùng loại, R6 Mark II giảm xuống khả năng chụp 12bit, làm giảm dải động. Ở các chế độ chậm hơn, chất lượng hình ảnh rất tuyệt vời.

Video được cải thiện đáng kể so với chiếc R6 ban đầu, với độ phân giải 4K lấy dư mẫu toàn chiều rộng cảm biến lên đến 60p và khả năng quản lý nhiệt được cải thiện đáng kể. Quay chuyển động chậm 1080p/180 thể hiện mức tăng 50%. Tính năng lấy nét tự động của video vẫn có xu hướng nhảy sang hậu cảnh, cần người dùng liên tục chuyển hướng máy ảnh đến đối tượng đã chọn trong lúc quay.

Ngoài tốc độ chụp liên tục cao, Canon R6 Mark II có vẻ như một bản nâng cấp khiêm tốn so với người tiền nhiệm từng là máy ảnh của năm 2020, nhưng số lượng cải tiến ấn tượng góp phần tạo nên một trong những máy ảnh full-frame hoàn hảo nhất trong tầm giá của nó.

Fujifilm X-H2S

1653990649_1708265

Ưu điểm

  • Chụp nhanh với bộ đệm sâu và AF tốt
  • Thông số và chất lượng video ấn tượng
  • Hoạt động tốt cả chụp ảnh và quay video

Nhược điểm

  • AF liên tục hoạt động hơi khó ở tốc độ 40fps
  • Không có chế độ theo dõi AF ở video
  • AF cần tinh chỉnh

Fujifilm X-H2S là máy ảnh lai quay chụp tốc độ cao xoay quanh cảm biến ảnh Stacked CMOS 26MP. X-H2S sử dụng thân máy bằng hợp kim ma-giê tương đối lớn với hai nút xoay command và báng cầm trước chắc chắn.

Lấy nét tự động có thể nhận dạng nhiều loại chủ thể và theo dõi chúng hiệu quả nếu được thiết lập chính xác. X-H2S hoạt động tốt nhất khi các cài đặt của nó cho biết đối tượng có khả năng di chuyển trong cảnh như thế nào. Ở mức tốt nhất, nó có thể mang lại tỷ lệ nhắm trúng rất cao ngay cả ở tốc độ tối đa 40 hình/giây.

Chất lượng hình ảnh rất tốt với nhiều chế độ màu ‘Film Simulation’ hấp dẫn. Hiệu suất Raw cũng rất mạnh xét về kích thước cảm biến, với phạm vi dải động sẵn rộng để điều chỉnh và chỉnh sửa. Cảm biến CMOS xếp chồng đồng nghĩa màn trập lăn rất thấp ở chế độ màn trập điện nhanh.

X-H2S tự hào có bộ tính năng video mạnh mẽ và xuất ra những thước phim có chất lượng tuyệt vời. Lấy nét tự động có thể hoạt động tốt dù không có tùy chọn theo dõi đối tượng ở chế độ video. Ổn định hình ảnh mạnh và một loạt định dạng ghi hình biến X-H2S trở thành một ứng cử viên để quay video chính hiệu. Chế độ F-Log2 14bit mang lại dải động xuất sắc nhất từng thấy ở Fujifilm.

X-H2S là máy ảnh X-series đắt nhất của Fujifilm nhưng cũng mạnh mẽ nhất. Các máy ảnh full-frame có giá cạnh tranh có thể mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn, nhưng sẽ không có máy nào cung cấp được sự kết hợp giữa chụp tĩnh và quay video tốc độ cao tương tự ở gần tầm giá.

Theo DPReview