Như đã nói thì iPhone X thật sự rất gọn so với kích cỡ màn hình của nó. Mặc dù phần viền của máy vẫn thấy được, không thật sự tràn hết viền như một số điện thoại khác nhưng thiết kế này cho mình cảm giác máy sẽ bền hơi khi bị thả rơi, vì phần khung chịu lớn rất lớn bảo vệ bên ngoài đã được gia cố. Nếu là nữ thì có thể bạn sẽ hơi khó chịu một chút khi trọng lượng của máy lớn hơn so với iPhone SE hay iPhone 8 nhưng đó là cái giá phải đánh đổi để lấy hai mặt kính và khung thép.
Nếu là mình thì phiên bản màu đen sẽ là bản mà mình chọn, vì nó sẽ tiệp màu camera với mặt sau. Phần camera là phần mình thấy xấu nhất trên iPhone X, bản màu trắng hơi lạc lõng vì nền camera đen còn lưng trắng trong khi bản màu đen thì đen đều, đỡ hơn. Bù lại thì phần viền màu trắng sẽ sáng bóng, rất phù hợp với chị em phụ nữ.
Màn hình:
Bất ngờ lớn nhất trên iPhone X, nếu không biết trước thì mình không nghĩ màn hình này dùng tấm nền OLED. Apple vẫn sử dụng cấu trúc điểm ảnh Diamond Pixel do Samsung cung cấp nhưng lại yêu cầu họ chế tạo riêng theo những quy định của hãng. Hệ quả là chúng ta thấy một màn hình OLED “LCD” hơn bao giờ hết, độ tương phản cao, màu đen vẫn rất đen nhưng độ no màu thì lại không quá rực rỡ. Nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy những khu vực màu trắng vẫn hơn lờ mờ nhẹ, nhưng so với các tấm nền OLED khác, kể cả của LG thì cách hiện thực màu sắc của iPhone X vẫn rất khác biệt, nó thật sự giống LCD.
Cá nhân mình thích cách iPhone X thể hiện, nó vừa và dịu với mắt dù đôi khi vẫn muốn nó rực màu nhẹ hơn một chút khi xem hình. Nhưng tựu chung lại thì mình đánh giá rất cao màn hình OLED mà không phải OLED này.
Cuối cùng, điểm mình không thích nhất là Apple vẫn sử dụng themes màu sáng trên iPhone X thay vì màu đen, nếu dùng màu đen thì chắc chắn nó sẽ ấn tượng hơn, ít lộ tai thỏ hơn và nhất là tiết kiệm pin hơn rất nhiều.
FaceID:
FaceID sẽ được test kỹ hơn, nhưng thử nghiệm cho thấy tốc độ mở khóa của nó nằm đâu đó giữa TouchID đời đầu và TouchID đời 2, nó không quá nhanh nhưng cũng không quá chậm, ở mức khá. Để mở khóa iPhone X bằng FaceID thì bạn sẽ có 3 cách:
- Nhấc máy lên nếu máy đang đặt trên bàn, khi này màn hình sẽ tự sáng và FaceID tự kích hoạt, bạn chỉ việc vuốt màn hình từ đáy lên để mở.
- Bấm nút nguồn nếu đang mở máy, sau đó màn hình sẽ tự sáng và FaceID tự kích hoạt, bạn chỉ việc vuốt màn hình từ đáy lên để mở
- Chạm vào màn hình 2 lần, khi này màn hình sẽ tự sáng và FaceID tự kích hoạt, bạn chỉ việc vuốt màn hình từ đáy lên để mở
Có một lưu ý nhỏ là để mở khóa iPhone X thì bạn phải vuốt từ dưới lên, từ dưới cùng. Nếu bạn vuốt ở bất cứ nơi nào trên màn hình thì nó sẽ không mở được đâu.
Về khả năng nhận dạng thì bọn mình có dùng thử FaceID khi đeo kính cận, kính mát, đội nón bảo hiểm, đeo tai nghe, riêng bài test đeo khẩu trang thì tất nhiên là FaceID thất bại. Sẽ thử kỹ hơn sau nha
Giao diện mới và tai thỏ:
Có một số bạn nói giao diện mới của iPhone X hơi khó xài và không thân thiện, nhưng đối với mình thì chỉ khoảng vài phút để làm quen với cách điều khiển mới thì mọi thứ sẽ trở nên thật sự dễ dàng. Cách tương tác này có phần giống Palm Pre ngày xưa hay gần nhất là BlackBerry 10 với giao diện dạng thẻ, vuốt từ các cạnh vào. Tuy nhiên nó đỡ rối hơn, cũng thuận tiện hơn ở chỗ người dùng không cần quan tâm đến các cạnh mà họ chỉ cần biết một vị trí vuốt duy nhất: phía đấy máy. Có thể là vì mình còn trẻ và hay tiếp xúc với đồ công nghệ nên cũng dễ dãi hơn, còn các cô bác lớn tuổi sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn.
Về tai thỏ, nó gần như không nằm trong phạm vi quan sát của mắt mình khi sử dụng, nhất là khi đang ở các ứng dụng có giao diện hay nền đen. Chỉ với các ứng dụng màu trắng thì mới thấy sự hiện diện của nó. Cá nhân mình thì thấy tai thỏ không khó chịu, chỉ là chúng ta sẽ phải làm quen với việc vuốt bên phải xuống để mở Control Center và bên trái xuống để mở Notification.
Cảm ơn Tùng Mobile đã cho mình mượn máy