Canon EOS R1 đã thu hút mọi sự chú ý với ngày công bố, thông tin rò rỉ và các suy đoán. Đã lâu rồi chúng ta mới thấy một chiếc máy ảnh hàng đầu mới của Canon và giờ chúng ta đã có nó trên tay. Trái với tất cả sự phô trương đang diễn ra về chiếc máy ảnh dòng “1” mới, một sản phẩm khác của Canon lặng lẽ xuất hiện. Chiếc Canon EOS R5 Mark II có giá $4,299 ra mắt cùng thời điểm với người anh lớn của nó, trông có phần lép vé, tuy nhiên nó có thể là chiếc máy ảnh thú vị hơn đối với phần lớn các nhiếp ảnh gia.
Canon EOS R5 nguyên bản từng được yêu thích nhờ khả năng đáp ứng được nhiều tiêu chí và đơn giản là được sản xuất nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của người dùng. R5 nhỏ gọn và nhẹ nhưng chắc chắn. Nó có cảm biến 45MP độ phân giải cao và hiệu suất lấy nét tự động tuyệt vời cho cả ảnh chân dung và động vật hoang dã. Công thái học rất thoải mái và vị trí đặt các nút mang lại cảm giác trực quan, tự nhiên. Khả năng tùy chỉnh các nút và điều khiển đủ mạnh để làm hài lòng các nhiếp ảnh gia cấp cao mà không gây chật chội hoặc quá phức tạp. Hầu hết nhiếp ảnh gia đã thử qua R5 đều đồng ý với những nhận định này.
Cùng tìm hiểu những ấn tượng đầu tiên về Canon EOS R5 Mark II với đội ngũ biên tập của trang PetaPixel. Máy ảnh được nhóm biên tập trải nghiệm trong một ngày song song với EOS R1, sử dụng các phiên bản chưa hoàn thiện trong chu kỳ phát triển của chúng với firmware ban đầu và một số lỗi và sự cố, khiến quá trình thử nghiệm cũng gặp đôi chút khó khăn.
Điều khiến vấn đề thử nghiệm của nhóm biên tập trở nên trầm trọng hơn nữa là họ cảm thấy hai máy ảnh bị kéo theo hai hướng khác nhau. Nhóm biên tập mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho R5 II, nhưng trách nhiệm và sự cần thiết phải cố gắng làm quen với R1 đã chiếm nhiều thời gian của họ hơn. Đó không chỉ là chiếc máy ảnh hàng đầu mọi người đang chờ đợi, mà còn là hệ thống phức tạp hơn để tìm hiểu. Dù vậy, có rất nhiều công nghệ được chia sẻ giữa hai dòng máy, và nhóm đã có đủ thời gian để chí ít là dần hình thành được một số ấn tượng đầu tiên về chiếc máy ảnh mà họ tin là thú vị hơn.
Nội dung
Canon EOS R5 Mark II: Các thiết lập từng thấy trên Nikon Z8
Nikon đang tận hưởng thành công vang dội của Z8 – chiếc máy ảnh cung cấp tính linh hoạt phù hợp với giá tiền, còn R5 II là nhà vô địch mà Canon hy vọng sẽ cùng vượt qua đối thủ dòng Z. R5 sử dụng cảm biến 45MP đã nâng cấp độ phân giải nhiều năm trước và phiên bản Mark II kế thừa cảm biến này cũng với độ phân giải 45MP, nhưng nay bổ sung thêm thiết kế chiếu sáng mặt sau và xếp chồng chip. Kết quả là một thay đổi thú vị đối với hệ thống với tốc độ đọc nhanh hơn, khoảng 1/125 giây (theo thử nghiệm của biên tập PetaPixel).
Thay đổi này sẽ giúp nâng cao hiệu suất lấy nét tự động, chế độ quay video và làm màn trập điện tử trở nên hữu ích hơn khi xử lý các vấn đề về màn trập lăn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Nikon Z8 có số megapixel tương tự mà với tốc độ đọc gấp đôi và mức giá rẻ hơn. Điều này không làm giảm màn thể hiện của Canon, nhưng trên lý thuyết, R5 II đang tụt lại phía sau về bộ phận cảm biến và đó là một thực tế mà chúng ta không thể bỏ qua.
Dẫu vậy, R5 Mark II vẫn có thiết kế thân máy nhẹ và chắc chắn giống như phiên bản tiền nhiệm, cùng một số cải tiến đáng kể bên trong. Màn hình LCD phía sau là màn hình cảm ứng 2,1 triệu điểm có khớp nối xoay lật, còn EVF được mượn trực tiếp từ R3 với độ phân giải 5,76 triệu điểm được khuếch đại và sáng rõ, đồng thời các nút điều khiển rất dễ sử dụng. Canon luôn xuất sắc về công thái học của máy ảnh và R5 II cũng không ngoại lệ.
R5 Mark II có cách sắp xếp các khe cắm thẻ tương tự như Nikon Z8, với một khe cắm CFexpress Type B và một khe cắm thẻ SD UHS-II. Với màn trập cơ học của máy ảnh, bạn có thể đạt được tốc độ chụp liên tục 12 khung hình/giây (FPS) và với màn trập điện tử là 30 FPS. Kết quả là, bộ đệm lấp đầy khá nhanh ngay cả với thẻ CFexpress (đáng tiếc khi R5 II chỉ hỗ trợ loại CFexpress 2.0; kể cả R1 cũng vậy).
Ở tốc độ 12 FPS, máy ảnh có thể duy trì khoảng 10 giây chụp nhưng ở tốc độ 30 FPS, máy ảnh sẽ chậm lại sau khoảng ba giây chụp liên tục. Điều này vẫn có thể chấp nhận được trong hầu hết các tình huống hành động, nhưng Canon R1 cho thấy rõ lợi thế ở đây. Tính năng chụp đệm Pre-Burst cũng rất ổn, kích hoạt chụp nửa giây ngay trước khi nút chụp được nhấn hết để hầu như đảm bảo được là khoảnh khắc mong muốn sẽ được ghi lại, đây cũng là một tính năng khác mà R5 II chia sẻ với R1.
Canon cung cấp một loại pin mới cho R5 II với mã là LP-E6P. Pin mới giúp tăng dung lượng lưu trữ một chút, nhưng chủ yếu là hỗ trợ ở công suất đầu ra giúp mở khóa các chế độ video 8K. Những tính năng này sẽ không thể thực hiện được với các mã pin LP-E6N và NH cũ hơn. R5 II có bộ IBIS tương tự R1, hứa hẹn khả năng ổn định khoảng 8 điểm dừng cho cả tình huống chụp ảnh và quay video.
Ngoài ra, R5 Mark II còn mượn từ R1 khả năng mới cho phép nâng độ phân giải JPEG lên gấp bốn lần, đạt mức tối đa tiềm năng là 179MP. Tuy nhiên, giống như trên R1, kết quả không cung cấp bất kỳ chi tiết thêm nào, chỉ có kích thước tệp lớn hơn và không mang lại lợi ích mà chúng ta sẽ thấy ở dạng ảnh multi-shot pixel-shift. Dù vậy, nhóm biên tập vẫn thích tính năng giảm nhiễu mới, tính năng này hoạt động được trên các tệp RAW trong máy ảnh (nhưng xuất ra ảnh JPEG) và không chỉ mang lại chi tiết tốt hơn đáng kể mà còn giảm nhiễu có thể thấy được. Tuy nhiên, cũng như hầu hết người dùng, nhóm vẫn thích có thể thực hiện chỉnh sửa trên máy tính hơn, vì vậy hai tính năng mới này có thể chỉ được sử dụng rất hạn chế.
Canon EOS R5 Mark II: Một hệ thống lấy nét tự động không giống ai
R5 II có thể không có tốc độ đọc hoặc điểm AF loại chữ thập hoàn toàn như cảm biến R1, nhưng về cơ bản chúng có cùng hệ thống lấy nét tự động. Đáng chú ý là R5 II có tính năng Eye Control AF giống như R3 và R1, là một cách cực kỳ trực quan để khởi tạo tính năng lấy nét theo dõi tự động. Ngay cả với những cảnh đông người, người chụp có thể chỉ cần nhìn một cầu thủ trên sân và để máy ảnh theo dõi đối tượng ngay lập tức. Các thuật toán AF tương tự cũng được sử dụng và R5 II có menu lấy nét tự động được đơn giản hóa giống R1. Sự thay đổi này rất đáng hoan nghênh, nhưng người dùng sẽ cần một thời gian để làm quen.
Việc cho phép máy ảnh quyết định cách xử lý lấy nét được nhấn mạnh hơn và giờ đây người dùng chỉ cần điều chỉnh độ nhạy và khả năng phản hồi theo dõi. Ngoài ra máy còn cho phép lựa chọn chế độ áp dụng cho ba môn thể thao cụ thể, gồm bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ. Biên tập viên nhận thấy tính năng tự động lấy nét là chính xác, theo dõi các đối tượng chuyển động một cách hiệu quả và tập trung vào mắt và khuôn mặt của người chơi. Ngay cả trên thiết bị tiền sản xuất, biên tập viên nhận xét R5 II có thể xử lý tốt mọi tình huống hành động và thể thao nghiêm túc, tuy R1 vượt trội dành cho những cảnh quay đòi hỏi khắt khe nhưng chính R5 II cũng rất xuất sắc.
Canon EOS R5 Mark II: Chiếc máy ảnh lai tốt hơn cả R1
Biên tập viên đã quay hầu hết các tập phim của trang tại sự kiện Canon bằng R5 II và rất thích trải nghiệm này. Đây là một máy quay video rất có khả năng, quay video 8K có thể lên đến 30p bằng cách sử dụng tính năng ghi RAW bên trong hoặc nén H265 10bit 4:2:2. Ở 4K, máy ảnh chỉ có thể ghi tối đa 30p ở định dạng lấy mẫu dư. Tiếc là 4K 60p và 4K 120p được lấy mẫu phụ và kết quả là chất lượng hình ảnh bị ảnh hưởng. Thật may là phim không bị crop ở bất kỳ chế độ 4K nào và với việc bổ sung C-Log2, tất cả các tệp đều có dải động khá và có thể được phân loại một cách hiệu quả.
Canon cũng đã bổ sung thêm một số công cụ chu đáo như đèn kiểm đếm để báo hiệu cho người trình bày là máy ảnh đang ghi. Ngoài ra máy còn có hỗ trợ waveform để đo mức phơi sáng và tối đa hóa dải động, thứ mà lạ thay, R1 không có. Cổng HDMI kích thước đầy đủ được chào đón trên thân máy tương đối nhỏ này và tất nhiên, giắc cắm mic và giắc cắm tai nghe cũng có mặt. Kết hợp tất cả những trang bị này với bộ IBIS tốt và hiệu suất màn trập lăn tốt, R5 II sẽ trở thành một chiếc máy quay phim tiện dụng và hiệu quả.
Canon cũng tung ra ba phụ kiện cầm tay mới cho R5 Mark II, từ báng cầm pin dọc cổ điển để tăng khả năng kiểm soát và kéo dài tuổi thọ pin. Tiếp theo là báng cầm cung cấp khả năng kết nối Ethernet cho nhiếp ảnh gia thể thao và báo chí, những người muốn có tốc độ truyền nhanh và khả năng truy cập điều khiển từ xa có dây cứng. Cuối cùng là một báng cầm không cung cấp khả năng điều khiển cầm theo chiều dọc nhưng có quạt làm mát để tăng thời gian ghi. Cả ba đều có sức chứa hai pin. Các biên tập viên khi này vẫn chưa biết tình trạng quá nhiệt trên R5 II là như thế nào, nhưng đây vốn là một vấn đề nghiêm trọng đối với R5 nguyên bản; họ nhận định, tay cầm có quạt sẽ là một sự đảm bảo hữu ích rằng sẽ có bộ phận hỗ trợ chính thức để hỗ trợ giải quyết vấn đề nếu có phát sinh.
Tuy nhiên, tất cả các báng cầm này đều đắt tiền, rẻ nhất là $560 (khoảng hơn 14 triệu VNĐ) và đắt nhất là $750 (khoảng 19 triệu VNĐ).
Canon EOS R5 Mark II thú vị hơn so với chiếc máy flagship
Đối với các biên tập viên, họ cảm thấy hào hứng với R5 Mark II hơn trong hai chiếc máy ảnh mới ra mắt. R5 II không hề kém cạnh so với R1, vì máy ảnh flagship mới nhất của Canon đã chứng tỏ nó là một công cụ hữu ích — nhưng nó còn là một công cụ có tính chuyên môn cao.
R5 Mark II có nhiều tính năng mạnh mẽ tương tự R1 nhưng có cảm biến linh hoạt hơn, khả năng quay video tốt hơn một chút và nhắm đến phạm vi đối tượng rộng hơn. Người dùng có thể thoải mái chụp ảnh thể thao, hành động và động vật hoang dã bằng R5 II cũng như bất kỳ ảnh phong cảnh, tác phẩm trong studio hoặc ảnh du lịch nào.
Tuy vậy, Canon EOS R5 Mark II không nhất thiết phải cạnh tranh với Canon EOS R1. Đối thủ chính của R5 II sẽ là Nikon Z8 và đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn. Vì Z8 có cảm biến nhanh hơn với hiệu suất tổng thể tương tự với số tiền rẻ hơn, nên có thể R5 II sẽ khó chạm tới các đối tượng người dùng ngoài những người hâm mộ Canon hiện tại. Dù vậy, mọi thứ các nhiếp ảnh gia yêu thích ở R5 giờ đây còn tốt hơn ở phiên bản Mark II, và với những ai thực sự yêu thích phiên bản tiền nhiệm đó, họ cũng sẽ nhanh chóng đón nhận R5 II.
Theo PetaPixel