Nhiếp ảnh tựu chung là chụp ánh sáng. Trên thực tế, nguồn gốc của từ “photograph” có nghĩa cơ bản là “vẽ ánh sáng”. Để tạo được một bức ảnh thấy được, ta phải kiểm soát lượng ánh sáng phơi trên bề mặt cảm quang có thể là một tấm phim hay cảm biến kỹ thuật số, đồng thời kiểm soát độ nhạy của bề mặt đó với ánh sáng. Trong series Hiểu về Phơi sáng này, chúng ta sẽ cùng thảo luận một chút về tính chất và các đặc trưng của ánh sáng, cũng như cách một chiếc máy ảnh và ống kính kết hợp lại để kiểm soát phơi sáng bằng một thứ thường được gọi là “Tam giác phơi sáng” (Exposure Triangle).
Bài viết này thuộc series Hiểu về Phơi sáng. Xem toàn bộ series tại:
Tam giác phơi sáng bao gồm các yếu tố: khẩu độ (aperture; sau sẽ gọi tắt là khẩu), tốc độ màn trập (shutter speed; sau sẽ gọi tắt là tốc) và ISO. Cả 3 yếu tố này làm việc với nhau để xử lý lượng ánh sáng đến được với bề mặt cảm quang (khẩu và tốc) và độ nhạy của bề mặt đó (phim hoặc ISO kỹ thuật số). 3 yếu tố này không những kiểm soát tác động của ánh sáng lên một bức ảnh, mà còn có các hiệu ứng phụ. Khẩu kiểm soát độ sâu trường ảnh, tốc có thể làm nhòe hoặc đóng băng hành động, còn ISO có thể tăng hoặc giảm độ hạt của phim hoặc nhiễu hạt kỹ thuật số từ một ảnh.
Mỗi chân trong Tam giác phơi sáng sẽ có một bài viết riêng, tuy nhiên trước khi phân tích 3 khía cạnh này, chúng ta sẽ cần nắm được một số hiểu biết cơ bản về ánh sáng và phơi sáng.
Ánh sáng
Phơi sáng có thể được định nghĩa là một lượng ánh sáng đi vào bề mặt cảm quang của máy ảnh. Trong bất kỳ trường hợp nào, bất kể là nguồn sáng tự nhiên hay nhân tạo phát ra, vẫn luôn có một lượng ánh sáng có thể đo được soi chiếu vào chủ thể của bạn.
Lượng ánh sáng này khác nhau theo 4 yếu tố cơ bản: cường độ, thời lượng, khoảng cách giữa nguồn sáng với chủ thể và sự biến đổi của ánh sáng. Đây không phải bài luận về ánh sáng nhưng hãy động đến vài kiến thức cơ bản và 4 yếu tố kể trên trước khi nói về việc kiểm soát phơi sáng nhé.
Ánh sáng tương tác với các thuộc tính của cả sóng năng lượng và các hạt. Tính đối ngẫu sóng-hạt này tác động đến cách thức ánh sáng tương tác với bên trong và bên ngoài của máy ảnh và ống kính. Hãy xem xét cường độ, thời lượng, khoảng cách và sự biến đổi của ánh sáng trong ví dụ dưới đây:
Cường độ, tức độ sáng của ánh sáng: Một nguồn sáng phát ra các hạt photon, và càng nhiều photon phát ra bởi nguồn sáng hoặc được một vật thể phản chiếu thì nó lại càng sáng. Một bức ánh sáng được tạo ra từ cảm biến hoặc một mảnh phim gặp nhiều photon hơn bức ảnh tối. Ngược lại, một bức ảnh tối thì được phơi lượng photon thấp hơn so với bức ảnh sáng.
Thời lượng: Mặt trời là nguồn sáng cố định nhưng ta có thể tránh sáng bằng cách khi mà Trái đất thực hiện vòng quay của nó xung quanh mặt trời, hoặc đơn giản là ta bước vào nhà. Ánh sáng nhân tạo có thể bật tắt tùy, một số loại còn chớp sáng với thời lượng ngắn. Khi tăng thời lượng của ánh sáng nhận phát ra từ một nguồn sáng, bạn có thể tăng lượng photon được máy ảnh thu nhận.
Khoảng cách: Không may thay đối với một số người, nhiếp ảnh lại song hành với toán học, bài viết này cũng không thể không dính tới toán. Trở lại với vấn đề, nguồn sáng càng gần thì bạn càng thu được nhiều photon vào máy ảnh, ngược lại khi đứng càng xa nguồn sáng thì bạn sẽ thu được ít photon hơn. Khúc này vẫn dễ hiểu phải không? Vậy sẽ thế nào nếu bạn gấp đôi khoảng cách của bạn từ nguồn sáng? Nếu vậy có phải kết quả sẽ là nửa lượng photon và nửa lượng ánh sáng? Không phải. Nhờ có định luật đảo nghịch bình phương (Inverse Square Law), bạn sẽ thu được 1/4 lượng ánh sáng khi gấp đôi khoảng cách. Lý do là vì chúng ta đang nói đến một vùng chứ không chỉ khoảng cách chung chung. Ánh sáng phát ra từ hầu hết các nguồn sáng sẽ ở dạng tỏa (ngoại trừ tia laser). Do đó một bóng đèn ở khoảng cách 1.5m sẽ sáng hơn gấp 4 lần so với khi nó ở cách đó 3m. Tương tự, một hành tinh giả tưởng quay quanh mặt trời ở khoảng cách 300,000km sẽ chỉ nhận được 1/4 lượng ánh sáng mặt trời so với lượng ánh sáng Trái đất nhận được ở khoảng cách 150,000km.
Sự biến đổi: Hiện có rất nhiều công cụ hỗ trợ biến đổi ánh sáng (light modifier) giúp kiểm soát và định hình cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Mặt trời không thể tự động giảm sáng nhưng thêm ít mây vào là có thể ngay. Bạn có thể đưa chủ thể vào bóng mát hoặc tự tạo bóng râm. Phản quang (reflector), khuếch tán (diffuser) và gel lọc những công cụ thông dụng giúp biến đổi ánh sáng.
Đo đạc ánh sáng
Giờ chúng ta đã biết cách sửa đổi lượng ánh sáng, ta cần ấn định giá trị định lượng cho ánh sáng để tiến hành đo đạc cường độ của nó, theo đó điều chỉnh thiết lập của máy ảnh, rồi lại điều chỉnh ánh sáng thêm nữa để đạt được hình ảnh sáng hơn hoặc tối hơn. Việc điều chỉnh hình ảnh này dẫn chúng ta đến chủ đề toán học của “giá trị phơi sáng” hay EV, hay chúng ta thường nghe là “stop” (bước dừng).
Cường độ ánh sáng ở đây là độ chói của vật phát sáng, nhưng dù có các con số để ấn định cho độ chói sáng, thứ chúng ta quan tâm không thực sự nằm ở định lượng bởi máy ảnh có thể chụp ảnh dưới mọi loại ánh sáng, kể cả trong bóng tối, mà thực ra nằm ở việc thiết lập một đường cơ sở, để khi thay đổi thiết lập máy ảnh ta sẽ nhận thức được sự thay đổi sẽ tác động thế nào đến việc phơi sáng và làm thế nào để cân bằng lại khi cần.
Nói đơn giản thì một bức ảnh được “phơi sáng chuẩn” có thể đáp ứng đường cơ bản ở EV 0. Khi thay đổi khiến ảnh tối hơn, ta rơi về phía EV âm, sáng hơn thì về EV dương. Đây là lúc cái giá trị định lượng đề cập phía trên góp mặt. EV là các con số đã cho để chúng ta có thể đo đạc sự thay đổi từ EV cơ sở.
Vậy tại sao phải chú ý đến EV?
Mục tiêu khi tạo phơi sáng là cho phép một lượng ánh sáng nhất định tiến vào máy ảnh và ống kính để bạn chụp được chủ thể mà đáp ứng tầm nhìn thẩm mỹ của bạn. Chú ý tôi không nói mục tiêu là “phơi sáng chuẩn” và tôi đã hai lần dùng dấu ngoặc kép cho cụm từ này. Nhiếp ảnh là nghệ thuật, và nếu bạn muốn sửa ảnh sáng hơn (overexposed) hoặc tối hơn (underexposed) để thể hiện tầm nhìn thẩm mỹ của bạn chuẩn hơn, thì đừng bao giờ nghĩ đến việc từng khung hình bạn chụp sẽ cần thỏa mãn định nghĩa của “phơi sáng chuẩn”. Nó chẳng bao giờ được vậy đâu. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng từ “chuẩn” nhưng đừng cố đào sâu vào từ này làm gì vì chuẩn kiểu gì thì còn tùy bạn mà.
Thế thì, thứ bạn muốn làm là cài đặt máy ảnh và ống kính của bạn để cho phép lượng ánh sáng chuẩn (theo chuẩn của bạn) vào trong máy nhằm tạo ra bức ảnh bạn muốn. Để kiểm soát ánh sáng này, bạn phải có khả năng điều chỉnh 3 thiết lập riêng biệt trong máy ảnh, tức là Tam giác phơi sáng. Như đã nói, có 2 cách kiểm soát lượng ánh sáng vào máy ảnh và phơi sáng bề mặt cảm quang (khẩu và tốc) và 1 cách để kiểm soát độ nhạy của bề mặt đó (ISO).
Cách thức để đơn giản quy trình này là so sánh máy ảnh với các yếu tố nhất định của mắt người. Chức năng khẩu tương tự mống mắt co và giãn đường kính nhằm giới hạn lượng ánh sáng được phép đi vào mắt. Tốc tương tự một cái chớp mắt, ngoại trừ việc mí mắt thường mở khi ta thức. Nhưng nếu bạn có thể hình dung mí mắt mở trong một khoảng thời gian để chụp lại 1 ảnh trước khi nhắm lại, thì đó tương tự như màn trập của máy ảnh. Cuối cùng là ISO tương tự độ nhạy của các tế bào cảm quang ở phía sau mắt.
Cần phải biết trong gần như từng máy ảnh đều có khẩu, tốc và ISO khác nhau, nhưng vẫn có một cách để kiểm soát các thiết lập này bằng tay. Dĩ nhiên là bạn có thể tìm thấy các vòng chỉnh khẩu và nút xoay tốc cho phép điều chỉnh trên các dòng máy ảnh và ống kính SLR truyền thống, nhưng bạn cũng có thể sẽ thích kiểm soát khẩu, tốc và ISO trên các máy point-and-shoot ngày nay. Học cách làm thế nào và khi nào thì cần điều chỉnh các thiết lập này sẽ giúp bạn cải thiện công việc nhiếp ảnh của bạn, khi mà nó giúp bạn kiểm soát các bức ảnh của bạn nhiều hơn.
Trong phần kế tiếp của series này, chúng ta sẽ bắt đầu bàn về khẩu.
Lời nói thêm
Nếu chỗ kiến thức trên đây quá lằng nhằng và học thuật khiến bạn cảm thấy khó nuốt và sợ bước sang phần kế tiếp thì sau đây là mánh học nhanh cho bạn:
Phơi sáng được kiểm soát trong một bức ảnh bởi khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO của tấm phim hoặc cảm biến ảnh kỹ thuật số của máy ảnh, bộ 3 này được gọi là Tam giác phơi sáng.
Khẩu độ là kích thước khi mở của ống kính, mở càng lớn thì càng nhiều ánh sáng vào ống kính, mở nhỏ thì ít ánh sáng lại.
Tốc độ màn trập là phép đo thời gian màn trập mở cho phép ánh sáng đến được tấm phim hoặc cảm biến ảnh. Màn trập mở càng lâu thì càng nhiều ánh sáng vào đến được phim hoặc cảm biến, thời gian mở càng ít thì kết quả ngược lại.
ISO là phép đo độ nhạy sáng của tấm phim hoặc cảm biến ảnh đối với ánh sáng. ISO càng cao thì độ nhạy của bề mặt cảm quang càng cao, và ngược lại.
Khẩu độ cũng có thể kiểm soát độ sâu trường ảnh, còn tốc độ màn trập có thể chặn đứng hoặc làm nhòe hành động. ISO khi tăng lên sẽ tạo hiệu ứng hạt phim hoặc nhiễu hạt số.
Cả 3 yếu tố này có thể điều chỉnh độc lập hoặc kết hợp, nhằm quản lý độ sáng và để chụp một bức ảnh.