Trong cuốn sách “Những Kẻ Xuất Chúng”, Malcolm đã nói rằng những người có tài năng nhưng không có 10,000 giờ luyện tập thì sẽ không bao giờ nhìn thấy được tài năng đó. Thật sự, điều đó cũng phần nào đúng trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Chẳng thế mà Henri Cartier-Bresson, người khởi nguồn cho trường phái ảnh đường phố, đã từng nói: “10,000 tấm ảnh đầu tiên của bạn là những tấm xấu nhất”, đại ý chúng ta cần chụp nhiều hơn, nghiêm túc hơn trong mỗi lần bấm máy.
Nhưng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, sự ra đời của ảnh số, rồi đến sự phát triển chóng mặt của máy ảnh trên smartphone khiến giới hạn 10,000 ảnh trở nên dễ dàng đạt được một sớm một chiều, mà kiến thức đọng lại chẳng được bao nhiêu trong mỗi lần bấm máy.
Vậy để chụp ảnh được chuyên nghiệp hơn cần rèn luyện ý thức nhiếp ảnh của bản thân tốt hơn. Để có ý thức tốt hơn đó, chúng ta bắt đầu từ những thói quen tốt. Sau đây là 8 thói quen tốt cho người mới tập chụp để có thể chụp ảnh một cách chuyên nghiệp hơn.
1. Tôn trọng quy tắc 1/3
Không phải tự nhiên mà bất kỳ những chia sẻ về kiến thức nhiếp ảnh nào cũng nhắc đến quy tắc này. Dù là ảnh phong cảnh, ảnh báo chí, ảnh chân dung, hay ảnh sản phẩm, quy tắc này cũng là quy chuẩn cơ bản đầu tiên mọi người cần làm đúng.
Có rất nhiều nhiếp ảnh gia đã phá vỡ quy tắc này nhằm tạo những trường phái, phong cách riêng cho mình. Song trong một phản ứng nhanh với khung hình bất chợt thì quy tắc tỷ lệ vàng 1/3 luôn trở thành phản xạ vô điều kiện của các tay máy chuyên nghiệp.
2. Nắm bắt giờ vàng
“Giờ vàng” là cách nói về khoảng thời gian ngay sau bình minh hoặc ngay trước hoàng hôn. Khoảng thời gian này chưa tới một tiếng đồng hồ vì nó còn tùy thuộc vào địa điểm của bạn. Ánh sáng trong thời điểm này khá đẹp, màu nắng ấm áp từ mặt trời ở dưới thấp thường là điều kiện thuận lợi để tôn lên các màu sắc khác. Ngoài ra, vì ánh mặt trời phải xuyên qua một bầu khí quyền dày hơn, ánh sáng không chiếu trực tiếp và độ tương phản bớt sắc nét hơn.
Người ta có thể lợi dụng ánh sáng đẹp của giờ vàng vào rất nhiều thể loại ảnh khác nhau: chân dung, thời trang, ảnh cưới cho đến ảnh đường phố. Vậy nên, hãy dậy sớm hơn để đón bình minh, hãy chạy ra đường nhiều hơn lúc hoàng hôn cùng với chiếc máy ảnh của mình, chắc chắn bạn sẽ có nhiều tác phẩm đáng nhớ.
3. Học cách xử lý tình huống với nguồn sáng tự nhiên
Ánh sáng trong nhiếp ảnh cơ bản đến từ 3 hướng: ánh sáng thuận chiều, ánh sáng từ bên và ánh sáng ngược chiều. Với ánh sáng tự nhiên, chúng ta không thể kết hợp nhiều nguồn sáng hỗn hợp giống như trong sử dụng đèn phụ ở studio. Bên cạnh đó, ánh sáng mặt trời là thứ chúng ta không thể thay đổi tương tự công suất đèn flash. Vậy nên chúng ta phải linh động, ứng biến nhanh cho mọi tình huống chụp ảnh ngoài trời khi không có đèn phụ can thiệp. Hiểu được các tính chất của ánh sáng tự nhiên, ta sẽ dễ dàng có những giải pháp cụ thể trong các tình huống bị động bởi hoàn cảnh tự nhiên không được như ý.
Ví dụ: Nếu ngày nắng chói, hãy chụp ở nơi mát mẻ có bóng đổ. Nếu trời âm u, hãy ra đường chụp chân dung. Trời tối thì hãy chụp ở những nơi nhiều đèn và biển hiệu,…
4. Học cách sử dụng flash
Về lý thuyết, sử dụng đèn flash của máy chụp hình là việc đơn giản: Bạn cần sự trợ giúp này khi không thể chụp ảnh chỉ với ánh sáng tự nhiên. Với chế độ A (Auto) trên máy ảnh, đèn flash sẽ tự bật nếu nó thấy ánh sáng không đủ ngay khi ta bấm nháy để bắt nét.
Song sự thật để đạt hiệu quả thật tốt khi dùng flash lại không hề đơn giản. Bạn cần nắm rõ kiến thức về nguồn sáng để quyết định dùng ánh sáng của flash cho mục đích gì. Nhiếp ảnh là trò chơi của ánh sáng, vậy kiểm soát được ánh sáng (nhân tạo) là bạn cũng đã bước một chân lên con đường trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp rồi.
Những tay máy mới hay người không chuyên luôn ngại làm việc với flash, phần vì bị định kiến, phần vì không kiểm soát được ánh sáng của nó. Nhưng trong nhiếp ảnh hiện đại, flash đóng một vai trò rất quan trọng. Nó góp mặt trong ảnh quảng cáo, báo chí, chân dung,… hay ngay cả với thể loại ảnh đường phố.
5. Tripod rất hữu hiệu
Có một điều chắc chắn bạn hay bỏ qua, không để ý: những tấm ảnh chụp khi máy có tripod luôn có tỷ lệ đẹp, chỉn chu hơn những tấm ảnh dùng bằng tay không. Với mục đích đạt được những khung hình sắc nét nhất thì chân máy là một thiết bị hỗ trợ rất tốt khi chụp ảnh, nó giúp máy ảnh chụp với tốc độ màn trập rất thấp, ổn định và chống rung cho ống kính của bạn. Ngay trong việc lắp đặt máy lên tripod, bạn đã phải căn chỉnh bố cục, ngắm nghía khung hình,… Điều đó hoàn toàn có lợi cho sản phẩm thu được dù là bạn đang chụp ảnh thể loại nào.
6. Học cách săn khoảnh khắc
Khoảnh khắc là từ được nhắc rất nhiều trong thể loại ảnh đường phố. Để chụp được những khoảnh khắc thú vị, đẹp mắt, bạn cần có một lượng kiến thức nhất định, từ kiến thức văn hoá, kỹ năng xử lý thiết bị, đến kiến thức nhiếp ảnh cơ bản. Bạn phải biết chờ đợi, học đoán trước được các tình huống xảy ra để quyết sao cho cú bấm của mình ấn tượng nhất.
Khoảnh khắc không chỉ có trong ảnh phố, hay ảnh báo chí. Nó còn xuất hiện trong ảnh chân dung, ảnh studio. Nhưng khoảnh khắc trong tình huống này lại nói về cảm xúc. Khi mình chụp ảnh cho khách hàng, nhất là trong ảnh chân dung, ảnh cưới, mình luôn nói chuyện, giao tiếp bằng các chủ đề hai người cùng biết chung, đôi khi trong những câu chuyện đó, làm họ vui, làm họ nhớ, hay làm họ buồn, chỉ một chút khoảnh khắc xuất hiện cảm xúc đó thôi làm làm bức ảnh trở nên sống động rồi.
7. Chú ý hậu cảnh, tiền cảnh
Khi chụp một tấm ảnh, người ta thường hướng sự tập trung vào đối tượng được chụp. Tuy nhiên đối tượng rất hiếm khi đứng một mình mà thường phải có cảnh nền để “phối hợp”. Khi nhìn qua kính ngắm và hướng máy ảnh về phía đối tượng, điều đầu tiên bạn cần làm là hãy xem xét cảnh nền trước. Cảnh nền sẽ tác động tới đối tượng theo hai cách: hoặc làm tôn đối tượng lên, hoặc khiến dìm đối tượng xuống. Đây là yếu tố nhiếp ảnh gia phải chú ý.
Trong trường hợp bạn không thể kiểm soát khung cảnh xung quanh, rất có thể chủ thể của bạn sẽ bị chìm trong bối cảnh. Tấm ảnh vì thế không lột tả được thông điệp của người chụp. Đôi khi, các tay máy chuyên nghiệp coi trọng hậu cảnh, cảnh nền quan trọng không thua gì chủ thể chính. Nó vừa có khả năng dẫn dắt mắt nhìn, cũng có khả năng diễn giải những thông tin liên quan đế chủ thể.
8. Học hậu kỳ ảnh cơ bản
Nói đến các phần mềm hỉnh sửa ảnh, người ta thường nghĩ đến Photoshop hay Lightroom, những ứng dụng làm ảnh đẹp lên bằng bất cứ giá nào. Thậm chí Photoshop đã trở thành danh từ riêng chỉ công việc chỉnh ảnh hậu kỳ. Những người cực đoan với chỉnh sửa thường cho Photoshop là xấu, là can thiệp, bóp méo sự thật của ảnh,… Nhưng họ đâu biết ngày xưa, với ảnh film cũng có muôn vàn cách can thiệp chỉnh sửa thủ công nhằm tạo ra tác phẩm theo ý đồ tác giả.
Lý giải tại sao hậu kỳ ảnh lại quan trọng đến vậy, có lẽ vì đó là phương tiện để người chụp biểu diễn tấm hình của mình chính xác hơn theo góc nhìn tâm hồn, mang cảm xúc cá nhân truyền tải cho người xem qua tác phẩm của mình mà không thay đổi sự vật, sự việc thật trên ảnh.
Kết luận
Tất nhiên, sẽ có rất rất nhiều những lời khuyên khác nhau khi bạn bắt đầu cầm máy và chụp ảnh, như hãy luôn mang máy ảnh, hãy chọn ống kính khẩu độ lớn, hãy dùng DSLR,… Tuy nhiên trên thực tế, khi bước chân vào đam mê, đó lại đôi khi là những rào cản khiến bạn quên mất thứ mình nhắm đến là ảnh. Có thể lời khuyên chưa đủ, hay không giúp bạn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ngay sau khi đọc, nhưng nó sẽ góp chút gì đó để thay đổi thói quen để bạn có thể chụp ảnh một cách chuyên nghiệp hơn.
(Theo Tinh tế)