Chụp ảnh vào sáng sớm là một cuộc chạy đua với thời gian. Điều kiện ánh sáng không ngừng thay đổi, và do đó không được phép có sai sót. Trong nội dung sau đây, tôi sẽ giải thích về ba điểm quan trọng để chụp được khoảnh khắc quyết định: thời gian, bố cục và góc ngắm. (Người trình bày: Michiko Kaneko)
Ảnh 1
EOS 5D Mark III/ EF24-105mm f/4L IS USM/ FL:47mm/ Aperture-priority AE (f/16, 1/20 giây, EV+0,3)/ ISO 400/ WB: Daylight
Nội dung
- Phong Cảnh Kỳ Vỹ Có Những Diện Mạo Khác Nhau vào Sáng Sớm
- BƯỚC 1: Thời gian – Bắt đầu chụp trước khi mặt trời mọc để chụp được những hình ảnh không ngừng thay đổi
- BƯỚC 2: Bố cục – Bao gồm cả ánh sáng xiên và bóng râm để có độ tương phản cao hơn
- BƯỚC 3: Góc xem – Thay đổi đối tượng phụ theo kích thước của đối tượng chính
Phong Cảnh Kỳ Vỹ Có Những Diện Mạo Khác Nhau vào Sáng Sớm
Để chụp rừng thông chuyển sang màu vàng ở đầm lầy Odashirogahara, cách Tokyo khoảng 200km về phía bắc ở phía bắc Quận Tochigi, tôi bắt đầu chụp trước khi mặt trời mọc. Có một cây bạch dương, được gọi là “tiểu thư xứ Odashirogahara”, đứng một mình trong đầm lầy. Tôi đặt cái cây đó ở giữa, trong khi khắc họa cảnh đồng bằng màu trắng phủ sương giá và rừng cây thông màu vàng tạo thành một “bức bình phong gấp” ở hậu cảnh để ghi lại cảm giác rộng mở của vùng đất này. Sau đó tôi chờ mặt trời chiếu lên chúng từ một góc để tạo ra hình ảnh lấp lánh.
Các đối tượng khoác lên diện mạo khác nhau từng giây, do đó bạn nên dành ra ít nhất hai giờ cho buổi chụp. Bạn có thể chụp đầm lầy Odashirogahara hoặc từ một độ dài tiêu cự góc rộng hoặc tele, do đó tốt nhất là mang theo các ống kính bao phủ phạm vi độ dài tiêu cự rộng.
Đối với ảnh này, tôi chọn chế độ Aperture-priority AE, và khép khẩu đến f/16 để chụp các đối tượng trong ảnh một cách sắc nét. Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng khép khẩu quá mức, vì làm như thế có thể làm xuất hiện nhiễu xạ, dẫn đến ảnh thiếu độ sắc nét.
BƯỚC 1: Thời gian – Bắt đầu chụp trước khi mặt trời mọc để chụp được những hình ảnh không ngừng thay đổi
Trong ảnh bên trên, được chụp từ cùng địa điểm như Ảnh 1 nhưng sớm hơn 1 giờ vào lúc 5:30 sáng, đầm lầy có một vẻ ngoài hoàn toàn khác. Mặt trời mọc lên từ phía bên kia núi, ánh sáng bình minh phản chiếu từ những đám mây, chiếu sáng toàn bộ bầu trời. Sương mù buổi sáng xuất hiện do có sự thay đổi lớn về nhiệt độ trước khi mặt trời mọc làm tăng thêm vẻ đẹp cho ảnh.
BƯỚC 2: Bố cục – Bao gồm cả ánh sáng xiên và bóng râm để có độ tương phản cao hơn
Tôi lập bố cục ảnh với cây bạch dương làm đối tượng chính, và điều chỉnh bố cục bằng cách nhấn mạnh rừng cây thông vàng ở hậu cảnh và ánh sáng xiên chiếu từ bên phải. Vì chúng ta có xu hướng bị thu hút bởi các vật thể sáng hơn, tôi bao gồm một vùng bóng râm ở nền trước để hướng sự chú ý của người xem vào đối tượng chính.
BƯỚC 3: Góc xem – Thay đổi đối tượng phụ theo kích thước của đối tượng chính
Trong Ảnh 1, tôi sử dụng độ dài tiêu cự 47mm để chụp một số lớn các yếu tố. Ngược lại, với độ dài tiêu cự cài đặt thành 200mm để chụp lớn cây bạch dương, như minh họa bên trên, tôi có thể làm nổi bật sương giá lấp lánh bao phủ hàng cây. Khi xác định bố cục, bạn nên cân nhắc cả đối tượng chính lẫn đối tượng phụ.
Theo Snapshot Canon Asia